Tiền cọc (20% trên giá khởi điểm) chỉ tương đương 1,25% giá trúng, là mức siêu thấp, chẳng trách 'cò đất' sẵn sàng đấu giá ảo rồi bỏ cọc.
"Giá khởi điểm chỉ hơn 7 triệu đồng một m2 nhưng giá trúng lên đến 133 triệu, tăng hơn 18 lần lần. Tức là tiền cọc (20% trên giá khởi điểm) chỉ tương đương có 1,25% giá trúng sau cùng, phải nói là mức siêu thấp. Chẳng trách mà nhiều kẻ đầu cơ vẫn nhảy vào đấu giá cao rồi bán lại hoặc bỏ cọc.
Theo tôi, kết quả phiên đấu giá chỉ nên coi là tạm thời và yêu cầu người trúng đấu giá phải nộp bổ sung tiền đặt cọc, cho đủ 20% của giá trúng trong vòng một ngày sau khi phiên đấu giá kết thúc thì mới được công nhận chính thức. Ngoài ra, cũng cần giảm thời gian nộp đủ tiền đấu giá (80% giá trúng còn lại) xuống ngắn hơn thay vì ba tháng như hiện nay. Bởi nếu sau ba tháng họ bỏ cọc, địa phương sẽ phải tổ chức đấu giá lại, rất mất thời gian và ảnh hưởng tới nhiều người".
Đó là quan điểm của độc giả Ngochanoi xung quanh hoạt động đấu giá đất ở Hoài Đức, Thanh Oai thời gian qua. Từ đầu tháng 8, các phiên đấu giá đất tại huyện Thanh Oai, Hoài Đức đã thu hút lượng người tham gia lớn, với hàng nghìn hồ sơ đăng ký, gây xôn xao thị trường. Tại phiên gần nhất ở Hoài Đức ngày 19/9, hơn chục lô đất được trúng với giá trên 100 triệu đồng mỗi 2, trong đó lô cao nhất là hơn 133 triệu đồng một m2 (gấp hơn 18 lần giá khởi điểm). Các lô đất có diện tích từ 89,6 đến 145,6 m2, với giá khởi điểm 7,3 triệu đồng một m2. Nhà đầu tư tham gia cần đặt cọc trước 130 triệu đến 212 triệu đồng.
Nhiều người cho rằng các cuộc đấu giá còn những điểm bất hợp lý như giá khởi điểm quá thấp làm tiền đặt cọc ít, chưa đủ sức ngăn ngừa tình trạng không nộp tiền nếu trúng với giá cao.
Bạn đọc Thiennga nhận định: "Số tiền cọc quá nhỏ so với giá trị lô đất, nên các 'cò' tha hồ đặt cọc để đấu ảo, có trúng nhưng không mua thì số cọc mất cũng quá ít, trong khi giá trị lô đất liền khu vực chúng có thể nâng để ăn theo, hưởng lợi cao. Để đấu giá có giá trị thật với những người có nhu cầu, nên quy định tiền cọc đủ 100% giá trị khởi điểm (sau mỗi vòng đấu nếu có, giá trị cọc tăng theo), như vậy mới loại bớt 'cò' đấu giá".
>> Ai sẽ mua lại đất làng 133 triệu một m2 sau đấu giá?
Nói về giải pháp ngăn chặn tình trạng đấu giá ảo và bỏ cọc đất diễn ra phổ biến hiện nay, độc giả Usa nhấn mạnh: "Theo tôi cần sớm phải sửa đổi quy định về đấu giá và quyền chuyện nhượng đất đấu giá để hạn chế đầu cơ, thổi giá đất, gây rối loạn thị trường, làm mất cơ hội của nhiều người, cũng như gây đình trệ sản xuất kinh doanh. Một số điểm cần cân nhắc ngay như sau:
1. Giảm thời gian thanh toán sau khi trúng đấu giá: sau khi trúng đấu giá, trong vòng năm ngày làm việc, người mua phải nộp đủ 50% giá trị lô đất theo giá trúng. Và 14 ngày tiếp theo phải thanh toán nốt 50% còn lại.
2. Hạn chế chuyển nhượng đất trúng đấu giá: trong vòng 12 tháng đầu sau khi trúng đấu giá, không được chuyển nhượng đất đấu giá. Trong hai năm tiếp theo, loại đất này sẽ bị áp thuế chuyển nhượng 20%. Sau ba năm, đất đấu giá mới được giao dịch như bình thường, thuế 2%.
3. Áp dụng quy trình đấu giá chuẩn của thế giới: giảm thời gian đấu giá tối đa xuống 6 giờ.
4. Tiền đặt cọc hoặc bảo lãnh cho người tham gia đấu giá đất là 20% giá tối thiểu mà nhà nước muốn bán hoặc giá đất tương đương vùng lân cận. Ví dụ, nhà nước muốn bán lô đất 100 m2, giá khởi điểm 40 triệu đồng m2 thì người đấu giá phải cọc 400 triệu đồng".
- Siết chặt đấu giá đất
- Ai hưởng lợi khi đất TP HCM tăng giá 50 lần theo bảng giá mới?
- 'Nhà đất ngáo giá vì tâm lý FOMO'
- 'Mua đất vùng ven Hà Nội, chờ lên giá hết nửa đời người'
- Mặc cả 'gãy lưỡi' căn nhà 10 tỷ ở Sài Gòn
- '20 năm nữa may ra giá nhà Hà Nội, TP HCM mới giảm'
Đăng thảo luận