Thường xuyên bị mẹ chồng mắng nhiếc, cấm cản về nhà ngoại, Thủy, 27 tuổi, ở Thanh Hóa, luôn sợ sệt, chán nản, lâu dần rơi vào trầm cảm.

Thủy kết hôn được hai năm, có một bé gái 6 tháng tuổi, hiện không đi làm nên không có thu nhập. Mâu thuẫn với mẹ chồng bắt đầu xảy ra khi Thủy mang bầu, bố mẹ đẻ góp ý về chuyện xây nhà ở riêng, chồng cô liền gạt ra và bày tỏ thái độ: "Ông bà ngoại không có quyền can thiệp", sau đó kể lại với mẹ chồng.

Từ đó, mẹ chồng bắt đầu ghét cô và thông gia, thậm chí cấm cản về ngoại. Người phụ nữ uất ức, nhắn tin và gọi điện cho mẹ đẻ tâm sự. Mẹ chồng cô đọc và nghe trộm, sau đó buông lời miệt thị nặng nề. "Có lần tôi ốm, sốt, bà vẫn xúc phạm, mỉa mai", cô kể. Thủy từng nghĩ đến việc ly hôn nhưng bị mẹ chồng đe dọa "sẽ dùng mọi cách để nuôi cháu" khiến cô lo sợ.

Người phụ nữ trở nên lầm lì, sống thu mình, mất ngủ, căng thẳng triền miên, chỉ nghĩ đến mẹ chồng là bốc hỏa, vã mồ hôi, tim đập nhanh. Khi vào Bệnh viện Tâm thần Mai Hương khám, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị trầm cảm kèm rối loạn lo âu.

Thu Hà, 32 tuổi, ở Hà Nội, cũng bị stress vì mẹ chồng tìm mọi cách quản lý cuộc sống của con dâu. "Đi cafe, mua sắm, chợ búa cũng phải đưa bà cùng đi. Khi bầu tháng thứ 2, bà bắt tôi sang ngủ chung, không cho ngủ cùng chồng vì sợ không tốt", cô bộc bạch. "Mỗi khi nghe tiếng khóc của cháu hay tiếng động trong phòng, bà gõ cửa bằng được để hỏi lý do".

Người phụ nữ mệt mỏi, căng thẳng, mong muốn được về nhà ngoại một thời gian thì bị mẹ chồng mắng, buông lời xúc phạm. Cô từ chối giao tiếp nhiều nhất có thể khiến bà tức giận, tiếp tục thể hiện thái độ và lời nói ghét bỏ. Lâu dần, Hà khó ngủ, tim đập nhanh, sợ hãi, cáu giận vô cớ. Khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán người phụ nữ rối loạn lo âu.

Trầm cảm, rối loạn lo âu do mâu thuẫn với mẹ chồng  第1张

Bác sĩ Thu thăm khám một bệnh nhân. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Bác sĩ Nguyễn Viết Chung, Trưởng Khoa Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện E, cho biết chứng sợ mẹ chồng nằm tổng thể trong hội chứng ám ảnh sợ hãi (phobia) - cảm giác sợ quá mức ngay cả với những việc không có tính nguy hiểm. Điều này có thể cản trở các hoạt động sinh hoạt bình thường và đôi khi khiến người mắc hoảng loạn.

Một số dấu hiệu gồm cảm giác lo lắng không thể kiểm soát khi tiếp xúc với nguồn gốc gây ra nỗi sợ hãi; muốn phải tránh xa bằng mọi cách; không thể hoạt động bình thường; không thể kiểm soát cảm xúc của bản thân.

Một số nỗi sợ hãi phổ biến bao gồm: Sợ không gian hẹp, sợ độ cao, sợ mẹ chồng, sợ khoảng trống... Nguyên nhân thường gặp như yếu tố di truyền và môi trường sống, sức khỏe kém hay mắc các bệnh tâm thần khác. Nỗi ám ảnh cũng có thể là hậu quả sau khi trải qua sang chấn như suýt chết đuối, tai nạn giao thông hoặc những xung đột trong quá khứ. Người mắc chứng này cần điều trị bằng liệu pháp tâm lý.

Thực tế, nhiều người có trải nghiệm tiêu cực với các thành viên trong gia đình, như con dâu không hài lòng về mẹ chồng hoặc những người khác trong gia đình chồng, tái diễn thường xuyên gây tổn thương tâm lý, chứng sợ hãi có thể phát triển, theo bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Bệnh viện Tâm thần Mai Hương. Bên cạnh đó, yếu tố môi trường, giáo dục hành vi cũng tác động không nhỏ.

Đơn cử, một đứa trẻ học được từ cha mẹ mình cách cảnh giác với người lạ, chúng có thể học cách cảnh giác với bất kỳ thứ gì khác, khi trưởng thành có tâm lý e dè với chính mẹ chồng - người không cùng dòng máu. Hóa chất não của một người mất cân bằng có thể gây ra tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến mối quan hệ mẹ chồng - vốn đã nhạy cảm.

Nỗi sợ mẹ chồng nói riêng và chứng ám ảnh sợ hãi nói chung nếu kéo dài có thể gây ra các phản ứng thể chất và tâm lý dữ dội, đặc biệt, khi bạn kìm nén, chịu đựng cảm xúc mà không có sự thấu hiểu, đồng cảm từ bạn đời, lâu dài rất dễ gây trầm cảm, rối loạn lo âu hoặc các sang chấn tâm lý khác.

Để tránh xung đột, các chuyên gia khuyên hai vợ chồng cần thảo luận, tìm ra giải pháp tốt nhất, cố gắng bày tỏ cảm xúc của mình một cách khéo léo, đừng nên một mình chịu đựng. "Việc từ chối thẳng thừng lời đề nghị của mẹ chồng là cách làm thiếu khôn ngoan, đặc biệt đối với những bà mẹ chồng khó tính sẽ khiến mối quan hệ căng thẳng. Hãy học cách từ chối khéo léo, hoặc để người chồng nói chuyện với mẹ mình", bà Thu khuyên.

Một nghiên cứu 2012 của hãng tư vấn và khảo sát xã hội Fingerman và cộng sự (ở Mỹ) cho thấy mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu thế nào có thể phụ thuộc vào mong muốn của bạn. Nếu mong gần gũi mẹ chồng, bạn sẽ hành động để đạt được điều đó, duy trì mối quan hệ tích cực. Ngược lại, nếu bạn không muốn, bạn sẽ giữ khoảng cách, hai người khó thể thân thiết. Điều bạn cần làm là thoải mái, suy nghĩ tích cực và có thành ý phát triển gắn kết mối quan hệ, như việc hỏi ý kiến mẹ chồng có thể vun đắp mối quan hệ mẹ con, chứng tỏ bản thân tin tưởng và tôn trọng bà.

"Bạn không thể gạt mẹ chồng ra khỏi cuộc đời mình, nhưng lại khó lay chuyển được tính cách của bà. Vì vậy, cần cố gắng điều chỉnh, dung hòa và thích nghi", bác sĩ Thu cho hay.

Thúy Quỳnh