Đó là khi con tôi 5 tuổi. Đến lớp 6, cháu chỉ nghe nhạc, xem phim tiếng Anh mà các kỹ năng cải thiện rõ rệt.
"Nhìn số tiền mà phụ huynh bỏ ra cho con học tiếng Anh tới 300 triệu đồng có lẽ khiến nhiều giáo viên dạy các môn khác buồn lòng. Nước ta đã chính thức dạy tiếng Anh trong chương trình phổ thông từ năm 1992.
Ước tính mỗi năm có 1 triệu học sinh được học tiếng Anh thì tới nay là 32 năm, cả nước đã có 32 triệu người được học tiếng Anh trong 7 năm giáo dục ( từ lớp 6 đến hết lớp 12).
Thế nên để đạt mục tiêu phổ cập tiếng Anh thì chương trình của Bộ giáo dục cộng với các phương tiện thông tin cũng đã đủ, đâu nhất thiết phải tốn quá nhiều tiền để chạy đua học tiếng Anh?
Hồi con tôi 5 tuổi, vợ tôi nghe người ta quảng cáo nên cho con đi học tiếng Anh 3 tháng hè, tốn mất 10 triệu nhưng cuối cùng cháu cũng chỉ nói được vài câu, biết được tầm 15 từ.
Từ đó đến khi cháu học lớp 6 tôi không bắt con học tiếng Anh mà chỉ cho xem phim, nghe nhạc tiếng Anh. Đến năm lớp 6 bắt đầu học tiếng Anh ở trường thì cháu học rất tốt, đọc chuẩn, nói tốt và nhớ được nhiều từ mới.
Tôi cũng chỉ mua một chương trình đào tạo online giá vài vài triệu đồng một năm, không đi học thêm nhưng con tôi luôn có điểm số cao môn tiếng Anh trong lớp.
Nhớ hồi xưa tôi học tiếng Anh phải cố gắng lắm mới mua được cái đài chạy băng để nghe, nghe đi nghe lại mãi rồi cũng phát âm chuẩn. Hồi đó có một bác đi nước ngoài về chỉ cho tôi là cứ nghe đi nghe lại liên tục, đọc được theo, chưa cần hiểu nghĩa là gì cũng không sao.
Tôi thuộc cả bài hát tiếng Anh mà chỉ biết nghĩa của vài từ trong đó. Sau tôi tìm hiểu thì có một quy tắc là từ nào nghe đi nghe lại 20 lần thì sẽ nhớ mãi không quên được.
Mấy ngày nay tìm hiểu về chủ đề học tiếng Anh tôi mới nhận ra ở Việt Nam mạnh ai nấy học. Tôi đề nghị nên lập tiêu chuẩn Việt Nam về trình độ tiếng Anh. Lập một trang web kiểm tra online và các điểm thi tập trung để lấy chứng nhận đạt trình độ.
Việc xét tuyển vào lớp 10, Đại học, tốt nghiệp Đại học có thể căn cứ trên điểm thi đó thay vì TOEIC hay IELTS bởi vì không phải ai cũng đủ điều kiện kinh tế để học hay thi những chứng chỉ quốc tế này.
Có như vậy mới nhanh chóng phổ cập tiếng Anh và giảm chi phí xã hội của việc học tiếng Anh xuống mức thấp nhất".
Độc giả Quang Tan bình luận như trên, cho rằng việc học tiếng Anh ở Việt Nam hiện nay mạnh ai nấy học, đi kèm đó là lãng phí tiền bạc, thời gian.
Quan điểm của bạn thế nào? Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.
Hữu Nghị tổng hợp
Đăng thảo luận