Từ năm 2021, Công ty Mercedes - Benz Việt Nam đã bắt đầu đề nghị TP.HCM cho gia hạn dự án. Và đến nay việc xem xét gia hạn vẫn loay hoay.

Vướng gì ở dự án Mercedes - Benz Việt Nam mà suốt 3 năm vẫn chưa được gia hạn?  第1张

Nhà máy lắp ráp, sản xuất ô tô của Công ty TNHH Mercedes - Benz Việt Nam tại số 693 Quang Trung (quận Gò Vấp) - Ảnh: ÁI NHÂN

Báo cáo tại cuộc làm việc với Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm, lãnh đạo TP.HCM dẫn chứng những vướng mắc khiến chưa gia hạn cho dự án Mercedes - Benz Việt Nam như điển hình rắc rối quy định pháp luật.

Vậy dự án này vướng mắc gì mà hơn 3 năm vẫn loay hoay gia hạn?

Phải thu hồi, sắp xếp lại đất công

Công ty TNHH Mercedes - Benz Việt Nam là công ty liên doanh giữa Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO) và nhà đầu tư Đức. Công ty này là đơn vị đầu tư dự án nhà máy lắp ráp, sản xuất ô tô tại khu đất 693 đường Quang Trung (quận Gò Vấp) có diện tích gần 10,5ha.

Khu đất trên là đất công do SAMCO quản lý, sử dụng. Phía SAMCO góp vốn vào liên doanh bằng quyền sử dụng khu đất, còn nhà đầu tư Đức góp 70% vốn pháp định của Mercedes - Benz Việt Nam.

Năm 1995, Thủ tướng ra quyết định thu hồi khu đất trên và cho công ty liên doanh thuê xây dựng nhà máy. Công ty được cấp phép hoạt động đầu tư tương ứng với thời hạn sử dụng đất là 30 năm, tính từ tháng 4-1995, sẽ hết hạn vào năm 2025.

Năm 2021, Mercedes - Benz Việt Nam bắt đầu đề nghị gia hạn thêm 5 năm (đến năm 2030). Mặc dù đến năm 2025 dự án mới hết hạn, tuy nhiên do công ty cần bảo đảm hoàn thành thủ tục gia hạn để chủ động tính toán kế hoạch sản xuất và sau đó sẽ di dời đến chỗ mới sau khi đến hạn năm 2030.

Tổng lãnh sự quán Đức cũng 2 lần gửi công hàm đề nghị TP.HCM giúp đỡ giải quyết gia hạn cho Mercedes - Benz Việt Nam.

Ngày 17-6-2021, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan có văn bản kết luận thống nhất chủ trương xem xét gia hạn thời hạn đầu tư và gia hạn thuê đất của Mercedes - Benz Việt Nam. Từ kết luận trên, tháng 9-2021 công ty nộp công văn xin gia hạn.

Tháng 10-2021 Sở Kế hoạch - Đầu tư có công văn phản hồi cho công ty về quy hoạch của khu đất về việc gia hạn.

Theo nghị định 43/2014 hướng dẫn Luật Đất đai 2013 thì trường hợp điều chỉnh dự án đầu tư mà có thay đổi thời hạn hoạt động của dự án thì nộp hồ sơ gia hạn sử dụng đất sau khi đã điều chỉnh dự án đầu tư.

Do bên góp vốn Việt Nam (SAMCO là công ty 100% vốn nhà nước) góp vốn bằng quyền sử dụng khu đất (tài sản công), nên theo quy định nghị định 167/2017 và nghị định 67/2021 hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, thì sau khi kết thúc việc góp vốn, liên doanh, liên kết khu đất trên phải được sắp xếp, xử lý lại bằng cách thu hồi và đấu giá.

Vướng gì ở dự án Mercedes - Benz Việt Nam mà suốt 3 năm vẫn chưa được gia hạn?  第2张

Đến tháng 4-2025 dự án của Mercedes - Benz Việt Nam sẽ hết hạn - Ảnh: ÁI NHÂN

Loay hoay vì thiếu quy định

Trong quá trình giải quyết, tháng 3-2022 Sở kế hoạch - Đầu tư có văn bản hỏi ý kiến các sở ngành và hỏi các bộ ngành liên quan.

Vấn đề mấu chốt cần giải quyết là khi kết thúc thời hạn hoạt động của dự án thì khu đất có phải thu hồi, đấu giá không và có được gia hạn sử dụng đất gắn liền với gia hạn thời hạn hoạt động không.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch - Đầu tư, Mercedes - Benz Việt Nam có tỉ lệ tăng trưởng tốt, giải quyết cho khoảng 800 lao động. Giai đoạn năm 2017-2021 công ty này đạt doanh thu hơn 9.000 tỉ đồng/năm, đóng góp cho ngân sách TP hơn 5.500 tỉ đồng/năm.

Liên quan đến hồ sơ đề nghị điều chỉnh thời hạn hoạt động dự án, tháng 2-2024 UBND TP có công văn báo cáo Thủ tướng. Ngày 14-3, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo Bộ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì cùng với Bộ Tài nguyên - Môi trường và Bộ Tài chính hướng dẫn. Tuy nhiên qua các văn bản phúc đáp cho TP thời gia qua thì các bộ vẫn "lúng túng" với vướng mắc vì thiếu quy định cụ thể.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Tăng Thị Thu Lý - quyền tổng giám đốc Công ty SAMCO, cho hay là một bên liên doanh SAMCO rất mong sớm được giải quyết gia hạn cho dự án đến năm 2030.

"Công ty Mercedes - Benz Việt Nam đóng góp lớn ngân sách cho TP, là thương hiệu có uy tín trên thế giới... Với một đối tác tốt như thế, những năm qua phía SAMCO đã nhiều lần làm việc với các sở ngành của TP để bàn bạc giải quyết việc gia hạn...", bà Lý giải thích.

Tại cuộc làm việc với TP.HCM ngày 17-8, sau khi nghe Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nêu sự việc này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nói ông cũng thấy rất vô lý.

Ông phân tích: "Địa phương rất mong có dự án ô tô bởi trung bình một dự án ô tô ít nhất đóng góp ngân sách địa phương 5.000 tỉ đồng/năm. Ông nào có được hai dự án ô tô, thu nhập đã hàng chục nghìn tỉ, như Ninh Bình với dự án ô tô đã là 10.000 tỉ đồng. Bây giờ vào thị trường hết hạn rồi lại rút giấy phép, xong làm mới lại từ đầu. Không biết những quy định này thế nào. Tôi cũng sẽ góp phần để nói những việc này".