Vị trí nào cho thể thao Việt Nam ở môn bơi và điền kinh tại Olympic?
(Dân trí) - Điền kinh và bơi là những môn rất khó, vì luôn có sự cạnh tranh gắt gao tại các kỳ Olympic. Điều đáng chú ý ở chỗ, Singapore từng giành HCV, còn Philippines suýt thành công lớn ở các môn này.
Hai môn cơ bản nhất thể hiện vị thế của các nền thể thao ở Olympic
Không phải ngẫu nhiên mà điền kinh được gọi là môn thể thao "nữ hoàng", đó là môn có sự cạnh tranh rất gắt gao, các cường quốc thể thao hàng đầu thế giới, các vận động viên (VĐV) hàng đầu thế giới cạnh tranh nhau từng thông số một, từng phần trăm giây, từng cm ở môn này.
Tương tự như thế là trường hợp của môn bơi. Ngay đến cường quốc thể thao trong nhóm đầu thế giới là Trung Quốc, mỗi kỳ Olympic chỉ cần giành được 1-2 huy chương vàng (HCV) ở từng môn bơi và điền kinh, đã gọi là thành công rất lớn (riêng tại Olympic Paris 2024, Trung Quốc có một HCV trong môn điền kinh và 2 HCV trong môn bơi).
Thành công trong môn bơi luôn là niềm tự hào đối với mọi nền thể thao (Ảnh: Reuters).
Chính vì thế, khác với tính chất của các môn khác, việc điền kinh và bơi Việt Nam tiếp tục chiếm các vị trí rất cao ở các kỳ SEA Games là tín hiện đáng mừng.
Cụ thể, ở SEA Games năm 2022, bơi Việt Nam giành tổng cộng 11 huy chương vàng (HCV), đứng nhì ở môn này, xếp sau quốc gia bơi số một Đông Nam Á Singapore (21 HCV). Còn ở môn điền kinh, chúng ta có 22 HCV, đứng đầu Đông Nam Á, hơn đội xếp nhì là Thái Lan có 12 HCV.
Đến SEA Games 2023, bơi Việt Nam giành được 7 HCV, tiếp tục đứng nhì Đông Nam Á, sau Singapore có 22 HCV. Trong khi đó, ở môn điền kinh, Việt Nam giành 12 HCV, xếp sau đội đứng đầu Thái Lan (16 HCV).
Đây là hình ảnh rất khác so với chính chúng ta khi Việt Nam tham dự những kỳ SEA Games hồi những năm đầu thập niên 1990. Đó là những kỳ SEA Games đầu tiên của chúng ta, tính từ thời điểm thể thao Việt Nam tái hòa nhập với sân chơi quốc tế.
Điền kinh Việt Nam cần tiếp tục tiến bộ để tiến đến những đấu trường lớn (Ảnh: Mạnh Quân).
Nhiều năm trước, chuyện thể thao Việt Nam có được một đến 2 HCV trong môn điền kinh đã là rất khó, tìm được một hay một vài kình ngư sáng giá trong môn bơi so với mặt bằng khu vực Đông Nam Á, đã là điều rất đáng quý.
Thế nên, riêng với các môn điền kinh và bơi, khách quan mà nói rằng ngành thể thao Việt Nam có bước rẽ hướng đúng. Riêng chuyện chúng ta giành được thành tích cao ở SEA Games, nhưng chưa giành được huy chương Olympic, vì đơn giản các môn này rất khó, đồng thời trên hành trình tiến lên đỉnh cao, không thể nào tránh hết mọi va vấp.
Thay đổi hướng đi để hy vọng cải thiện thành tích
Như đã nói, ngay đến thể thao Trung Quốc muốn có HCV bơi và điền kinh còn khó khăn chứ chưa nói đến các đoàn thể thao thuộc các quốc gia khác, chưa phải là cường quốc ở các kỳ Thế vận hội.
Tuy nhiên, khó không có nghĩa là không thể thành công. Các quốc gia Đông Nam Á đã chạm đến vinh quang, hoặc tiến sát đến vinh quang trong các môn bơi và điền kinh tại Olympic.
Obiena (Philippines) suýt giành HCĐ ở nội dung nhảy sào nam tại Olympic Paris 2024 (Ảnh: Getty).
Ở Olympic Paris 2024, Philippines có vận động viên (VĐV) EJ Obiena suýt giành huy chương đồng (HCĐ) ở nội dung nhảy sào nam. VĐV này có thành tích 5m90, ngang với người giành HCĐ là Emmanouil Karalis (Hy Lạp). EJ Obiena chỉ mất huy chương vì kém chỉ số phụ.
Singapore từng giành HCV trong môn bơi tại Olympic Rio (Brazil) 2016, thuộc về kình ngư Joseph Schooling, ở nội dung 100m bơi bướm nam. Thành tích của Schooling khi đó là 50 giây 39, thậm chí vượt qua luôn kỷ lục 50 giây 58 mà kình ngư huyền thoại Michael Phelps từng lập được tại Olympic Bắc Kinh (Trung Quốc) 2008.
Thật ra, bơi Việt Nam cũng từng có tham vọng sản sinh ra một Joseph Schooling cho riêng chúng ta, khi đầu tư mạnh cho Nguyễn Thị Ánh Viên, đưa cô sang Mỹ (cường quốc số một của bơi thế giới) tập huấn dài hạn.
Môn bơi của Việt Nam từng có tham vọng tạo ra một Schooling cho riêng mình, thông qua việc đầu tư cho Ánh Viên.
Tuy nhiên, thành tích của Ánh Viên sau đó không vượt lên được thành tích châu Á và xa hơn nữa. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, đó là việc "tập chay" nơi xứ người, cô không thường xuyên tham gia các giải thi đấu đỉnh cao, không có đối tượng cọ xát hàng ngày để đua tranh nâng cao thành tích. Điều đó khiến Ánh Viên sa sút dần.
Điều này được ông Đoàn Minh Xương, cựu giảng viên Đại học TDTT TPHCM, lý giải: "Phương pháp nuôi gà nòi như từng sử dụng với Ánh Viên không còn phù hợp, vì việc làm này phụ thuộc quá lớn vào phong độ của gà nòi ở các kỳ đại hội thể thao, không tạo ra môi trường cạnh tranh để cải thiện thông số thành tích".
"Phương pháp tốt hơn để phát triển nguồn nhân lực thể thao, đó là phổ cập thể thao từ học đường, tạo ra nguồn VĐV dồi dào, đồng đều, tạo tính cạnh tranh cao từ các lứa tuổi trẻ, trước khi sàng lọc để cho ra lò các VĐV tài năng nhất khi họ lên đến đỉnh cao", ông Xương nói thêm.
Ở Olympic Paris 2024, thể thao Việt Nam có hai vận động viên bơi lội góp mặt. Nguyễn Huy Hoàng dừng bước ở vòng loại 800m và 1.500m nam, còn Võ Thị Mỹ Tiên bị loại sớm ở vòng loại 200m hỗn hợp nữ. Ở môn điền kinh, Trần Thị Nhi Yến cũng rời giải đấu sớm khi dừng bước ở vòng loại 100m nữ.
Đăng thảo luận
2024-11-19 20:34:42 · 来自182.90.39.227回复
2024-11-19 20:44:55 · 来自106.92.108.204回复
2024-11-19 20:54:44 · 来自210.47.30.131回复
2024-11-19 21:05:07 · 来自139.207.137.233回复
2024-11-19 21:15:18 · 来自222.69.54.140回复
2024-11-19 21:24:58 · 来自139.203.253.15回复
2024-11-19 21:35:08 · 来自106.88.133.229回复
2024-11-19 21:45:14 · 来自139.205.151.138回复
2024-11-19 21:55:11 · 来自121.77.178.250回复