Vụ nợ học phí bị trường giữ học bạ 2 năm: Học bạ có phải tài sản thế chấp?

(Dân trí) - Nhiều chuyên gia, luật sư cho rằng trường quốc tế giữ học bạ 2 năm vì học sinh nợ học phí cần rạch ròi giữa khoản nợ và quyền đi học của trẻ em, đặc biệt là tính nhân văn trong môi trường giáo dục.

Tách bạch giữa trả học bạ và nợ học phí  

Vụ việc A.H. (SN 2008, tại TPHCM) vì gia đình phá sản nên nợ hơn 83,2 triệu đồng học phí, bị trường giữ học bạ gần 2 năm đang thu hút sự chú ý của dư luận. Nhiều quan điểm trái chiều được đưa ra giữa một bên là món nợ học phí, một bên là tương lai mù mịt của đứa trẻ khi phải dừng học tập từ năm 15 tuổi.  

Chia sẻ về vấn đề này, luật sư Hoàng Văn Liêm, Trưởng Văn phòng Luật sư Quốc tế L&P, nhận định, trong trường hợp này nhà trường nên rạch ròi, tách bạch hai vấn đề là trả lại học bạ và giải quyết khoản nợ học phí.

Theo Phụ lục Bảng thời hạn bảo quản tài liệu chuyên môn nghiệp vụ của ngành giáo dục ban hành kèm theo Thông tư số 27/2016/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quy định thời hạn bảo quản tài liệu chuyên môn nghiệp vụ của ngành Giáo dục, trong đó có học bạ của học sinh cấp trung học cơ sở (THCS) thì học bạ này sẽ được trả cho học sinh khi ra trường hoặc chuyển trường.

Như vậy, khi học sinh chuyển trường, nhà trường cần giao lại học bạ để đảm bảo quyền học tập của học sinh.

Vụ nợ học phí bị trường giữ bạ 2 năm: Học có phải tài sản thế chấp?  第1张

Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Quốc tế Á Châu đề nghị phụ huynh thanh toán hết học phí mới trả học bạ cho học sinh.

"Đối với khoản nợ học phí, đây là nghĩa vụ dân sự của phụ huynh, nhà trường có quyền yêu cầu phụ huynh thanh toán. Nếu phụ huynh không thanh toán, trường có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án để giải quyết. Tôi không thấy có cơ sở cho việc giữ học bạ để đảm bảo cho việc thanh toán khoản nợ học phí", luật sư Hoàng Văn Liêm chia sẻ.

Ông Liêm nhấn mạnh thêm, trong trường hợp này, các bên cần đặt lợi ích của học sinh lên trên hết để giải quyết.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, cho rằng học bạ không phải là tài sản thế chấp để thực hiện nghĩa vụ trả nợ học phí. Việc nhà trường giữ học bạ để đòi tiền cũng không là giải pháp tích cực trong môi trường giáo dục.

Phân tích sâu hơn, ông Cường nói, ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập, học phí sẽ cao và thực hiện theo thỏa thuận giữa nhà trường với phụ huynh. Việc chậm nộp tiền có thể là căn cứ để nhà trường đình chỉ việc học tập theo thỏa thuận và theo quy định của pháp luật.

Mặt khác, các cơ sở giáo dục ngoài công lập phải tự hạch toán, chi phí từ học phí là nguồn thu chính để giải quyết các vấn đề tài chính. Phụ huynh không nộp tiền học phí sẽ gây ra những khó khăn về tài chính cho nhà trường.

Song, trong tình huống này, khi phụ huynh gặp sự cố ngoài ý muốn, khó khăn trong việc nộp học phí cho con cũng cần nhà trường có những cảm thông, tìm ra những giải pháp tích cực để giải quyết vấn đề, không nên áp dụng một cách máy móc, cứng nhắc.

Đặc biệt, theo thông tin từ phụ huynh, người này đã nhiều lần yêu cầu rút học bạ để chuyển con sang trường khác mà không được nhà trường chấp nhận với lý do còn nợ tiền học phí thì đó là cách giải quyết có phần thiếu nhân văn.

Vụ nợ học phí bị trường giữ bạ 2 năm: Học có phải tài sản thế chấp?  第2张

Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Ông dẫn quy định tại khoản 2, Điều 2, Thông tư 50/2021/TT-BGDĐT quy định về việc chuyển trường tại trường THCS, THPT và Điều 5, Quyết định 51/2002/QĐ-BGDĐT quy định hồ sơ, thủ tục chuyển trường, việc chuyển trường phải có học bạ bản chính và giấy giới thiệu của cơ sở giáo dục, các loại giấy tờ khác có liên quan.

"Nếu trường quốc tế này không phối hợp thủ tục, phụ huynh không thể chuyển trường cho con. Phụ huynh đã đưa ra giải pháp trả một phần tiền còn nợ, một phần sẽ trả dần mà không được cơ sở giáo dục này chấp thuận, điều này rất tắc trách", luật sư này cho hay.

Ưu tiên quyền đi học của trẻ

Ở một góc độ khác, luật sư Đặng Văn Cường chỉ ra, việc không cho học sinh rút học bạ, thực hiện thủ tục chuyển trường không đơn giản chỉ là áp lực đòi tiền, mà có thể xâm phạm đến quyền học tập của học sinh, gây ra những căng thẳng không cần thiết, có thể ảnh hưởng đến uy tín của cơ sở giáo dục.

"Quyền học tập là một trong các quyền cơ bản của trẻ em, của công dân được hiến pháp và các văn bản pháp luật ghi nhận", tiến sĩ Đặng Văn Cường bày tỏ.  

Nhận định về quyền đi học của trẻ em, đại diện Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM cho rằng trong vụ việc này cần xem xét tới lý do khi đề cập việc rút học bạ, A.H. dưới 16 tuổi.

"Không ai được tước đi quyền học tập của trẻ. Chúng tôi mong nhà trường và gia đình sẽ tìm được tiếng nói chung. Nhà trường cũng cân nhắc phương án hỗ trợ gia đình", đại diện Hội cho hay.

Vụ việc kéo dài từ đầu năm 2023 tới nay khi gia đình A.H., học sinh Trường Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Quốc tế Á Châu rơi vào cảnh phá sản. Em được nhà trường xác định còn nợ 4 tháng học phí và tiền ăn, tổng cộng hơn 83,2 triệu đồng. Số tiền sau khi được nhà trường giảm 30% còn hơn 58,2 triệu đồng.

Vụ nợ học phí bị trường giữ bạ 2 năm: Học có phải tài sản thế chấp?  第3张

Vì hoàn cảnh khó khăn, gia đình A.H. đề nghị được trả trước một phần học phí để rút học bạ nhưng chưa được nhà trường chấp thuận (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Vụ việc kéo dài khiến A.H. phải dừng tiến độ học tập của năm lớp 9 và lớp 10.

Được biết, lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM đã có buổi làm việc với gia đình A.H. vào chiều ngày 15/5 để nắm bắt khó khăn và có giải pháp hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi học tập cho học sinh.