Xây một chiếc thang đến thiên đường (kỳ 3)
(Dân trí) - Ngôi trường tiểu học nằm dưới chân đồi ngoại ô thành phố Pittsbugh, cách khá xa nhà tôi. Hàng ngày trên đường tới trường, tôi phải đi xuống những bậc thang bằng gỗ cũ kỹ chạy hình zic zac tương đối dài.
Những ngày đầu đi học lớp một, tôi thường chạy như bay ra khỏi lớp mỗi khi tiếng chuông giải lao buổi sáng vang lên và dán mắt vào những bậc thang trên cao vì đoạn giữa cầu thang khổng lồ ấy, nơi có một bậc dài hơn những bậc khác, mẹ tôi đang ngồi, chơ vơ, nhỏ bé như một khán giả trung thành giữa một sân vận động vắng ngắt.
Hai mẹ con tôi đã giao ước với nhau về vị trí ngồi ấy, vào đúng giờ ấy mỗi ngày.
Vì tôi không muốn đi học, không muốn xa mẹ, nên mẹ tôi đã nghĩ ra cách này. Mỗi buổi sáng, sau khi tôi đi học được vài tiếng, mẹ tạm ngừng công việc đang làm và đi bộ đến ngồi ở bậc cầu thang ấy. Mẹ đã hứa với tôi sẽ đến chỗ lưng chừng cầu thang vào giờ tôi được ra chơi. “Mẹ thấy con, con cũng sẽ thấy mẹ, thế là hai mẹ con mình thấy nhau và cùng vui hơn nhé!”. Kế hoạch của mẹ tôi là như thế.
Mấy bữa đầu, mới nghe hồi chuông giải lao thứ nhất là tôi đã ào chạy băng qua sân trường, và nhìn lên chỗ mẹ.
Mẹ ngồi đó.
Gần như trọn buổi ra chơi ấy tôi chỉ đứng vẫy tay với mẹ, vui sướng nhìn mẹ vẫy lại với mình.
Sau khoảng một hai tuần gì đó, tôi chỉ còn vẫy tay vài lần là sau đó chạy biến đi chơi với bạn bè. Thỉnh thoảng, tôi cũng ngước nhìn xem mẹ có còn ngồi ở chỗ bậc thang quen thuộc ấy hay không.
Mẹ tôi luôn ở đó.
Rồi một ngày kia, tôi không nhìn lên tìm mẹ nữa.
Dần dần, tôi không còn nhớ trên bậc thang ấy có mẹ.
Còn mẹ tôi không bao giờ quên.
“Con trẻ là vậy mà!” - Mẹ tôi bảo - “Khi con lớn lên, sự trưởng thành của con như đi qua từng nấc thang một, làm bố mẹ vui buồn cùng lúc.”
Khi chưa có con, tôi không hiểu được ý nghĩa lời mẹ nói khi đó. Giờ thì tôi đã hiểu. Hàng ngày, mẹ tôi vẫn đi xuống những bậc cầu thang ấy sau khi tôi không cần sự có mặt của mẹ ở đó nữa. Mẹ chỉ muốn biết chắc con mẹ vẫn ổn mà thôi.
Những nấc thang về sau trong đời tôi cũng như thế, đều có mẹ dõi theo.
Tôi lên trung học.
Đại học.
Rồi đi làm xa.
Cứ thế, mẹ vẫn dõi theo từng bước chân của tôi, của bố, của anh trai tôi, của các con của anh tôi, mấy dì mấy cậu, cháu chắt, bạn bè, hàng xóm ... Mẹ cứ như thế suốt bao nhiêu năm tháng.
- Công việc của người mẹ có bao giờ ngừng đâu! - Mẹ bảo.
Gần đây mẹ tôi bị ngã và phải nhập viện. Từ văn phòng công ty, tôi gọi điện hỏi thăm mẹ.
Mẹ đang ở Pennsylvania, còn tôi lại tận mãi bang Arizona. Ở chỗ tôi đã tới giờ tan tầm, mẹ biết tôi cũng đang chuẩn bị về nhà.
Tôi hỏi các bác sĩ mới biết là mẹ bị ung thư, viêm phổi, và cả cái lưng cũng khó có thể lành lại sau cú ngã vừa rồi. Dù đau là thế, mẹ vẫn làm như không có chuyện gì, còn dặn đi dặn lại tôi: “Con đi đứng, xe cộ phải cẩn thận nghe chưa! Mẹ lo cho con lắm đấy!”.
Trong thời gian mẹ tôi nằm viện, những ai tới khám bệnh hay thăm mẹ tôi đều biết bà thường nói có ba câu:
“Tôi khỏe rồi.
Cảm ơn thật nhiều.
Tôi rất yêu mọi người!”
Nghe như mẹ tôi là bác sĩ còn họ là bệnh nhân của mẹ vậy!
Tôi bay đến với mẹ. Trên giường bệnh, hai mẹ con tôi cười nói vui vẻ và cùng nhau xem những tấm hình gia đình.
Nhưng mẹ lại sợ tôi mất quá nhiều thời gian cho mẹ mà không lo được cho các con tôi và cho công việc.
Khi đó tôi nhận thấy bố mẹ, cũng giống như tôi thuở bé, cũng đi qua từng nấc thang, và đến một thời điểm nào đó trong đời, làm con mình vui buồn cùng lúc.
Tôi cứ ngồi trong phòng bệnh, ngắm mẹ, cố tin lời mẹ hứa sẽ sớm xuất viện về làm mấy món bánh đãi cả nhà.
Mẹ sung sướng vì hai anh em tôi cùng bố đều bên cạnh mẹ, nhưng mẹ cũng vô cùng áy này vì nghĩ rằng chính mẹ đã làm mất thời gian của chúng tôi.
- Con không cần phải tới đây hàng ngày đâu! - Mẹ cứ hay nhắc nhở tôi như thế.
- Con đến để kiểm tra mẹ mà! - Tôi cười đáp, trong lòng thầm nghĩ mình cũng giống như mẹ ngày xưa, cũng đang mỗi ngày đến tìm ánh mắt nhìn lên của người thân yêu nhất đời, để biết là mọi sự vẫn ổn.
Nhưng rồi một ngày kia, mẹ vĩnh viễn không còn nhìn lên nữa.
Hôm tang lễ mẹ tuần rồi, tôi nhận thấy khả năng viết lách hạn chế của mình chẳng thể nào sánh được với nghệ thuật sống của mẹ.
Tất cả những gì tôi có thể làm chỉ là vụng về gởi theo mẹ một lá thư vỏn vẹn ba hàng chữ:
“Con khỏe.
Cảm ơn mẹ.
Con yêu mẹ!”.
Tôi biết chắc chắn trên cao có mẹ tôi ở đó.
Mẹ nghe thấy lời tôi.
Tôi không cần phải lặp lại nữa.
Chỉ có thế, nếu không, mẹ sẽ lo lắng nhiều hơn.
Trích sách “Dành cho Mẹ - Món quà của tình yêu”
Sách do First News phát hành
Đăng thảo luận