Điểm trường thân thiện môi trường giữa vùng cao xứ Thanh
Đây là năm thứ hai, bé Lương Thanh Trúc (bản Bá, xã Trung Hạ, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa) được học trong điểm trường mới khang trang. Đây là công trình được các nhà tài trợ dành tặng đến cô trò ở điểm trường miền núi giáp biên này.
Bé Lương Thanh Trúc (bản Bá, xã Trung Hạ, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa) háo hức và vui mừng khi được học ở điểm trường từ vật liệu tái chế. Ảnh: Minh Tiến
"Con thích lắm, nhìn ngôi trường khang trang được trang trí nhiều màu sắc. Thời gian qua, mỗi khi nắng gắt chúng con không thấy nắng nóng nữa", bé Trúc hồ hởi
Cô bé 5 tuổi càng ngạc nhiên hơn khi được các cô giáo giới thiệu ngôi trường được xây dựng từ những viên gạch được đúc bằng vật liệu tái chế. Với cách nghĩ thơ ngây của trẻ nhỏ, cô bé hiểu ngôi trường của mình được xây dựng từ những thứ bỏ đi, được sử dụng lại "như thế sẽ bảo vệ môi trường, rác thải ít hơn".
Điểm trường Khu Lang được khánh thành, đưa vào sử dụng từ tháng 9/2023 với 50% vật liệu xây dựng sử dụng từ vật liệu tái chế. Toàn bộ gạch, ngói công trình được làm từ vật liệu tái chế.
Cổng trường Khu Lang được trang trí nhiều màu sắc trong ngày khánh thành công trình. Ảnh: Minh Tiến
Cô Nguyễn Thị Thìn - Hiệu trưởng Trường Mầm non Trung Hạ cho biết, điểm trường Khu Lang gồm 3 phòng học và công trình phụ trợ, công trình vệ sinh khép kín, trên diện tích 120m2.
"Trước đây, ở dãy phòng học cũ, mùa nóng mái tôn mỏng không có tấm cách nhiệt, còn mùa mưa lớp học bị dột ướt do mái tôn không đủ kiên cố. Với điểm trường mới, hơn một năm qua các cô và trò sử dụng rất tốt và thoải mái. Nhiều nhà quản lý xuống thăm đều khen vè chất lượng và thẩm mỹ. Ngày hè nắng nóng các cháu thấy mát hơn hẳn phòng học mái tôn", cô Thìn nói.
Khi đến thăm điểm trường có kiến trúc độc đáo, đẹp mắt, nhiều người rất ngạc nhiên khi biết công trình được xây dựng từ rất nhiều vật liệu tái chế.
Điểm trường Khu Lang khoác lên mình "chiếc áo" mới từ nguyên vật liệu tái chế. Ảnh: Minh Tiến
Thông điệp về lối sống xanh
Công trình kể trên là một trong các điểm nhấn minh chứng giá trị của các giải pháp tái chế và truyền tải thông điệp về lối sống xanh đến người dân, đặc biệt là các em nhỏ.
Bà Hoàng Thị Thanh Thủy – Giám đốc Phát triển bền vững (Tập đoàn TH), đơn vị có sáng kiến và tài trợ thực hiện công trình trên cho biết: "Chúng tôi đã tìm hiểu kỹ và biết có công nghệ tái chế thành vật liệu xây dựng đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường, an toàn sức khỏe người sử dụng nên đã phối hợp với đối tác để xây dựng công trình đặc biệt này".
Chỉ trong vòng 3 tháng từ khi nêu ý tưởng, điểm trường Khu Lang đã được hình thành từ những vật liệu tưởng chừng như bỏ đi như vỏ hộp giấy, vỏ hộp nữa.
"Chúng tôi muốn gửi đến giáo viên, phụ huynh, học sinh và bà con địa phương về lối sống xanh, bảo vệ môi trường. Chúng tôi hy vọng ý thức phân loại và tái chế rác thải sẽ không chỉ dừng lại ở trong khuôn viên nhà trường mà sẽ lan tỏa đến từng gia đình, từng em học sinh - thế hệ tương lai của đất nước", bà Thanh Thủy chia sẻ.
Là đơn vị trực tiếp sản xuất loại gạch đặc biệt từ rác thải nhựa, ông Trương Mạnh Cường - Giám đốc Công ty cổ phần nhựa Tương Lai Xanh cho biết chưa có nhiều đơn vị nghiên cứu công nghệ xử lý rác thải nhựa thành vật liệu xây dựng có độ bền cao, không gây ô nhiễm môi trường.
Theo ông Cường, vẫn còn một số khó khăn như "gạch, ngói từ nhựa chế tạo chưa thể thương mại hóa do hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật trong lĩnh vực này chưa đầy đủ", rồi "chi phí cao hơn nhiều so với vật liệu truyền thống".
Tuy nhiên, vẫn cần có những đơn vị tiên phong để người dân tiếp cận với vật liệu xây dựng tái chế, hướng tới thông điệp xanh.
"Chúng tôi sản xuất, sử dụng vật liệu cho các công trình cộng đồng, đóng góp cho mục đích phát triển chung, bảo vệ môi trường. Dự án này rất cần sự chung tay hỗ trợ từ các doanh nghiệp để có thể triển khai dự án tại nhiều địa phương hơn của Việt Nam", ông Cường cho biết thêm.
Hướng tới tương lai xanh
Nhu cầu về một công nghệ mới vừa có khả năng tái chế được lượng rác thải nhựa thải ra môi trường vừa thay thế được gạch, ngói từ đất sét nung lấy nguồn tài nguyên truyền thống là hết sức cần thiết và cấp bách.
Quan trọng hơn cả, việc sử dụng vật liệu thay thế thân thiện môi trường sẽ thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề phân loại, tái sử dụng các vật dụng từ nguyên liệu tái chế.
Bởi lẽ, "con người tạo ra những thứ tồn tại trong môi trường hàng nghìn năm như nilon, nhựa nhưng lại chỉ sử dụng chúng có một lần"
Trong việc thúc đẩy sử dụng vật liệu tái chế, bà Hoàng Thị Thanh Thủy cho biết cần phải "nỗ lực hơn nữa hướng tới mục tiêu xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững". Đồng thời, không lãng phí nguồn rác thải nhựa trị giá 2,2 – 2,9 tỷ USD mỗi năm ở Việt Nam (báo cáo của Tổ chức Tài chính Quốc tế và Ngân hàng Thế giới, 2021).
Thời gian qua, phong trào tái chế rác thải nhựa thành các thư viện xanh, đồ dùng học tập, giải trí đang được nhiều trường học trên cả nước triển khai và mang lại hiệu quả tích cực. Các công trình này còn giúp nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho học sinh ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.
Trở lại với điểm trường Khu Lang, bé Lương Thanh Trúc sau khi biết ngôi trường làm bằng vật liệu tái chế đã hứa với cô giáo: "Con sẽ cố gắng góp sức nhỏ của mình để ngôi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp ạ".
Đăng thảo luận