Tập đoàn Đèo Cả cam kết góp đủ vốn 2 dự án cao tốc nối Đà Lạt với TP.HCM khi làm việc với đoàn công tác của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà và tỉnh Lâm Đồng.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà trao đổi cùng lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng và Tập đoàn Đèo Cả - Ảnh: M.V.
Ngày 4-9, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác của Chính phủ, tỉnh Lâm Đồng, đại diện liên danh nhà đầu tư Tập đoàn Đèo Cả (HHV) khảo sát khu vực thực hiện 2 dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương nối thông TP.HCM đến Đà Lạt.
Áp dụng cấm khai thác khoáng sản trong vùng làm cao tốc
Khi khảo sát hiện trường, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các bên liên quan nêu ra những khó khăn cốt lõi liên quan đến việc đến nay chưa thể triển khai được 2 dự án cao tốc, dù các dự án này đều đã xây dựng phương án từ năm 2020 và bắt đầu thành lập liên danh nhà đầu tư vào năm 2021.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà trao đổi về việc đảm bảo hướng tuyến của cao tốc đi qua vùng vướng quy hoạch khoáng sản - Ảnh: M.V.
Lâm Đồng kiến nghị Thủ tướng không khai thác khoáng sản ở vùng dân cưĐỌC NGAY
Ông Phạm S, phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, báo cáo về vướng mắc khi vùng thực hiện cao tốc nằm trong Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định 866).
Theo ông S, tuyến cao tốc đi qua huyện Bảo Lâm dự kiến có diện tích 500ha. Tuy nhiên trong đó đã có 226ha bị chồng lấn với quy hoạch khoáng sản.
"Tỉnh Lâm Đồng đề xuất Chính phủ trình Quốc hội cho khoanh vùng cấm khai thác và thăm dò đối với khu vực này. Tức vẫn giữ nguyên báo cáo về trữ lượng đã công bố, nhưng sẽ không khai thác để ổn định phát triển đường cao tốc và kinh tế, xã hội” - ông S đề xuất.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết: “Chiều nay sẽ thực hiện chồng bản đồ quy hoạch khoáng sản lên bản đồ hạ tầng giao thông. Nếu chính xác thế thì sẽ thực hiện như phương án Lâm Đồng đề xuất”.
Cam kết góp đủ vốn làm 2 tuyến cao tốc
Liên quan đến vốn thực hiện 2 dự án cao tốc, ông Hồ Minh Hoàng, chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, trình bày với Phó thủ tướng Trần Hồng Hà và đoàn công tác về đảm bảo vốn thực hiện dự án.
Ông Hoàng nói: “Sau những biến động kinh tế trong giai đoạn qua, các nhà đầu tư liên danh thực hiện dự án đã rút, chỉ còn Tập đoàn Đèo Cả. Tuy nhiên, cơ cấu vốn đầu tư ngân sách nhà nước - vay ngân hàng - liên danh nhà đầu tư HHV vẫn được giữ nguyên. Trong đó HHV cam kết đảm bảo đủ vốn chủ sở hữu tham gia dự án”.
Đối với vốn vay và ngân sách nhà nước, ông Hoàng nói hiện nay báo cáo khả thi được xây dựng dựa trên ý tưởng ban đầu, do đó chưa phù hợp để được phê duyệt.
"Để triển khai cần điều chỉnh lại để phù hợp với thực tế. Trong đó có thể tăng vốn ngân sách nhà nước lên mức tiệm cận 50% như Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Cái này luật cho phép nên có thể thực hiện điều chỉnh để thuận lợi trong việc huy động vốn” - chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả đề nghị.
Sơ đồ phóng tuyến 2 dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương cập nhật mới nhất
Đồng quan điểm, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã báo cáo bằng văn bản đến Chính phủ về việc cân đối vốn ngân sách nhà nước.
Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đề xuất Chính phủ quan tâm giải quyết cho điều chỉnh chủ trương đầu tư 2 dự án đường cao tốc. Cụ thể, nâng phần vốn ngân sách lên 8.910 tỉ đồng đối với tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc; hơn 8.680 tỉ đồng đối với dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương. Việc điều chỉnh không làm tăng nguồn vốn ngân sách quá 50%.
Đồng thời cho phép được áp dụng cơ chế chia sẻ phần doanh thu giảm cho dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc. Tỉnh Lâm Đồng cũng nêu rõ việc điều chỉnh nói trên đều đã có quy định và có tiền lệ trong hoạt động đầu tư công.
Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc dài 66km, bề rộng nền đường 17m với 4 làn xe, tổng mức đầu tư 17.200 tỉ đồng.
Cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương dài 73km, nền đường 17m với 4 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 19.520 tỉ đồng.
Tỉnh Lâm Đồng đang dồn lực để trong 140 ngày hoàn tất hàng loạt thủ tục triển khai 2 dự án cao tốc, tháo gỡ những vướng mắc trước đây để có thể triển khai thực địa.
Đăng thảo luận