Nghị định 121/2024 quy định trong 3 tháng tới, các đăng kiểm viên bị tuyên án do vi phạm liên quan đăng kiểm sẽ không bị thu hồi giấy chứng nhận đăng kiểm viên.

Đây là một trong 6 nội dung mới vừa được quy định trong Nghị định 121/2024, có hiệu lực từ 5/10 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 139/2018 và Nghị định 30/2023 liên quan điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới).

Các nội dung sửa đổi, bổ sung được thực hiện trên kiến nghị của Bộ Giao thông Vận tải để giảm tình trạng ùn tắc kiểm định tại nhiều địa phương. Bởi hơn 900 đăng kiểm viên (chiếm khoảng 44% số nhân sự trong ngành) đã và đang bị xét xử trong các đại án liên quan đăng kiểm. Theo quy định, những đăng kiểm viên bị kết án sẽ bị thu hồi chứng chỉ hành nghề. Nhiều trung tâm đứng trước nguy cơ dừng hoạt động, kéo theo ùn tắc đăng kiểm tại nhiều tỉnh thành, nhất là Hà Nội, TP HCM, trong khi nhân lực mới bổ sung còn hạn chế.

Nghị định 121 ra đời đã "ngưng hiệu lực thi hành quy định thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên" từ 5/10/2024 đến 1/1/2025 với các trường hợp bị tòa án kết tội do vi phạm các quy định liên quan đến lĩnh vực kiểm định xe cơ giới.

Điều này nghĩa là trong khoảng 3 tháng tới, các đăng kiểm viên bị tuyên án do vi phạm liên quan đăng kiểm sẽ không bị thu hồi chứng chỉ. Sau thời gian ngưng hiệu lực (từ 1/1/2025) nếu cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định bãi bỏ thì quy định hết hiệu lực; nếu không ra quyết định bãi bỏ thì quy định tiếp tục có hiệu lực (theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật).

Đăng kiểm viên có tội sẽ không bị thu hồi chứng chỉ hành nghề?  第1张

Các nội dung sửa đổi, bổ sung nhằm giảm tình trạng ùn tắc đăng kiểm tại nhiều địa phương sau loạt vụ án liên quan đăng kiểm. Ảnh: Ngọc Thành

Ngoài ra, Nghị định 121 cũng bổ sung một trường hợp vi phạm khiến đăng kiểm viên bị thu hồi giấy chứng nhận đăng kiểm viên là "sử dụng các công cụ, phần mềm để sửa chữa dữ liệu phương tiện, dữ liệu kiểm định nhằm hợp thức hóa thông tin và kết quả kiểm tra phương tiện".

Rút ngắn thời gian cấp lại giấy phép

Nghị định 121 bổ sung sửa đổi 4 nội dung liên quan đến đơn vị đăng kiểm.

Thứ nhất, đơn vị đăng kiểm bị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động sẽ được xem xét cấp lại giấy chứng nhận sau 12 tháng, trừ trường hợp đã ngừng hoạt động kiểm định xe cơ giới quá 12 tháng liên tục.

Tại quy định cũ, thời gian đơn vị đăng kiểm được xem xét cấp lại giấy chứng nhận là 36 tháng. Như vậy, Nghị định 121 đã rút ngắn thời gian này xuống còn 1/3.

Thứ hai, Nghị định 121 bổ sung hai lỗi sẽ khiến đơn vị đăng kiểm bị thu hồi giấy chứng nhận:

- Sử dụng các công cụ, phần mềm để sửa chữa dữ liệu phương tiện, dữ liệu kiểm định nhằm hợp thức hóa thông tin phương tiện, kết quả kiểm tra phương tiện;

- Không duy trì bộ phận giải quyết các công việc liên quan đến hồ sơ về kiểm định trong thời gian đơn vị ngừng hoạt động kiểm định xe cơ giới, trừ trường hợp bất khả kháng, trở ngại khách quan theo quy định của pháp luật.

Như vậy, từ 5/10, theo quy định mới sẽ có 7 lỗi khiến các đơn vị đăng kiểm bị thu hồi giấy chứng nhận (xem chi tiết tại đây)

Đăng kiểm viên có tội sẽ không bị thu hồi chứng chỉ hành nghề?  第2张

Ôtô xếp hàng dài trên đường đường Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Nội, chờ đến lượt đăng kiểm tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29.03V, ngày 1/3. Ảnh: Giang Huy

Thứ ba, về việc tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới: theo Nghị định 139/2018, đơn vị đăng kiểm sẽ bị tạm đình chỉ dây chuyền hoặc toàn bộ hoạt động 1-3 tháng nếu có 2-3 đăng kiểm viên bị xử phạt hoặc thu hồi chứng chỉ đăng kiểm liên tục trong 12 tháng, liên quan việc làm sai lệch kết quả kiểm định hoặc không tuân thủ đúng quy định tại các quy trình, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan trong kiểm định. Nghị định 121 đã bỏ hai nội dung này.

Thứ tư, về xây dựng, thành lập đơn vị đăng kiểm, Nghị định 139 yêu cầu "phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch chuyên ngành và các quy hoạch khác có liên quan... , phù hợp với số lượng, mật độ phương tiện được đăng ký trên địa bàn...".

Tại Nghị định 121 các nội dung này đã không còn; chỉ quy định việc xây dựng, thành lập đơn vị đăng kiểm phải "phù hợp các quy hoạch có liên quan, trong đó có xét đến các yếu tố đặc thù của các địa phương vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo; khuyến khích ứng dụng công nghệ, thiết bị kiểm định hiện đại".

Hơn một năm qua, từ khi bắt đầu điều tra sai phạm trên diện rộng về lĩnh vực đăng kiểm, tính đến cuối năm 2023, công an 49 địa phương đã khởi tố 114 vụ án, hơn 800 bị can. Trong suốt 28 năm hoạt động, đây là lần đầu ngành đăng kiểm có số lượng người bị khởi tố kỷ lục.

Ngoài các bị can bị xử lý hình sự, Đảng ủy Cục Đăng kiểm đã kỷ luật cảnh cáo 10 chi bộ, khai trừ Đảng 47 đảng viên, đình chỉ sinh hoạt Đảng 24 đảng viên sai phạm trong hoạt động đăng kiểm.

Hải Thư