Đại lộ Phạm Văn Đồng - trục hướng tâm liên kết cửa ngõ phía Đông đến sân bay Tân Sơn Nhất sau 10 năm khai thác giúp thay đổi diện mạo nội đô thành phố.
Đi bộ dọc vỉa hè đại lộ Phạm Văn Đồng chiều cuối tháng 8, ông Lê Quyền, 67 tuổi, hồ hởi nhìn về con đường 12 làn xe phía trước thay cho cảnh chật hẹp cách nay hơn chục năm. Sống ở Gò Vấp từ nhỏ, ông cho biết trước năm 1975, nơi đây là các khu đất được người dân trồng cây đưng, lát. Đến mùa, họ thu hoạch, phơi khô rồi đan túi đựng muối, gạo. Dân cư thưa thớt nên các tuyến đường xung quanh dù nhỏ hẹp nhưng không kẹt xe.
Do gần sân bay Tân Sơn Nhất, người dân đến khu vực này sinh sống ngày càng đông, các dãy nhà mọc lên chen chúc. Những con đường trước đó thông thoáng như Nguyễn Oanh, Phan Văn Trị, Nguyễn Thái Sơn ngày một quá tải do quá trình đô thị hoá nhanh.
"Từ nhà đến sân bay hoặc quận 12 chỉ cách 3-5 km nhưng tôi mất cả giờ do phải vòng qua các con đường chật hẹp, ùn tắc. Trong khi hướng ngược lại về Thủ Đức bị cách trở bởi sông Sài Gòn", ông Quyền nói và cho biết mọi thứ thay đổi khi đại lộ Phạm Văn Đồng hình thành, mở ra hướng đi mới nối thẳng sân bay tới khu Đông thành phố. Người dân được đi lại thuận lợi, diện mạo đô thị xung quanh cũng đổi thay nhờ con đường này.
Bà Phạm Thị Mỹ kể về sự thay đổi đời sống nhờ đường Phạm Văn Đồng. Ảnh: Đình Văn
Cách đó hơn 7 km, bà Phạm Thị Mỹ, 71 tuổi, kể đầu thập niên 90 gia đình bà mua lô đất hơn 100 m2 tại phường Linh Tây, quận Thủ Đức (nay thuộc TP Thủ Đức) xây nhà. Con hẻm qua khu dân cư bà ở khi đó rộng 2-3 m, nối ra tuyến Kha Vạn Cân thường xuyên ngập, kẹt xe.
"Ám ảnh nhất là mỗi ngày đi làm từ nhà sang Gò Vấp. Cầu Bình Lợi mới khi đó chưa có, người dân hai bên phải qua cầu sắt cũ rộng hơn một mét, nguy hiểm và ùn tắc triền miên", bà kể.
Khoảng năm 2005, khi nhận quyết định thu hồi 2/3 diện tích nhà để làm đường Phạm Văn Đồng, dù vẫn "lăn tăn" mức giá đền bù nhưng gia đình bà Mỹ đồng thuận. Bà hy vọng con đường giúp đi lại, buôn bán thuận lợi hơn.
"Nhận bồi thường hơn một tỷ đồng tôi xây căn nhà hai lầu và mở tiệm tạp hóa buôn bán. Cuộc sống của 4 thành viên trong gia đình cũng từ đó ổn định hơn sau khi đường xây dựng xong", bà nói.
Đại lộ Phạm Văn Đồng đi qua các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và TP Thủ Đức, trước đây thuộc dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 1997. Ban đầu, một công ty của Malaysia muốn đầu tư dự án này nhưng do khủng hoảng kinh tế nên rút lui.
10 năm sau, nhà đầu tư khác là tập đoàn GS E&C (Engineering Contruction - Hàn Quốc) trở thành đối tác của TP HCM triển khai dự án theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Công trình được khởi công vào tháng 6/2008 với tổng mức đầu tư khoảng 340 triệu USD.
Đại lộ Phạm Văn Đồng đoạn qua quận Bình Thạnh hiện nay. Ảnh: Hạ Giang
Với tổng chiều dài gần 14 km, dự án bắt đầu từ nút giao đường Trường Sơn (cổng sân bay Tân Sơn Nhất) và kết thúc tại ngã tư Linh Xuân trên quốc lộ 1, liên kết 4 địa bàn Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và TP Thủ Đức.
Trong đó, đoạn từ Linh Xuân tới vòng xoay Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp dài hơn 12 km rộng 30-65 m, 6-12 làn xe. Phần còn lại dài hơn 1,5 km vượt công viên Gia Định nối đến cổng sân bay chia làm hai nhánh đường Hồng Hà và Bạch Đằng, mỗi tuyến rộng 20 m cho ba làn xe.
Toàn dự án có 13 nút giao, 6 cầu đi bộ và ba cầu lớn vượt sông rạch, gồm: Bình Lợi, rạch Lăng, Gò Dưa. Trong đó, Bình Lợi là cây cầu lớn nhất bắc qua sông Sài Gòn với chiều dài hơn một km, 6 làn xe mỗi chiều. Đây cũng là hạng mục đặc biệt của toàn bộ dự án khi được thiết kế vòm Nielsen cao 35 m, rộng 28 m, dài 150 m, tổng trọng lượng 3.000 tấn.
Kết cấu trên có yêu cầu cao về kỹ thuật và công nghệ thi công, lần đầu triển khai đối với công trình cầu tại Việt Nam vào thời điểm đó. Để xây cây cầu này, 5 nhà thầu cùng tham gia với khoảng 6.000 nhân công, 10.000 trang thiết bị, vật tư và sử dụng 13.000 tấn thép.
Đường Phạm Văn Đồng đoạn qua cầu Bình Lợi trên sông Sài Gòn. Ảnh: Đình Văn
Kế hoạch ban đầu, tuyến Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài dự tính hoàn thành năm 2012 nhưng gặp nhiều trở ngại do vướng mặt bằng. Để thực hiện dự án, TP HCM phải di dời, giải tỏa gần 4.000 hộ dân, tổ chức cùng 42 công trình điện, nước, đường sắt... với tổng diện tích hơn 62 ha. Trong đó, Thủ Đức và Gò Vấp có số hộ bị ảnh hưởng nhiều nhất với hơn 2.600 trường hợp. Nhiều hộ thời gian đầu không đồng thuận chính sách bồi thường cùng việc điều chỉnh hướng tuyến dẫn đến phát sinh các khiếu nại.
Sau nhiều vướng mắc, tháng 9/2013 dự án đưa vào khai thác đoạn đầu tiên dài gần 5 km từ vòng xoay Nguyễn Thái Sơn tới nút giao Bình Triệu, bao gồm cả cầu Bình Lợi. Đoạn này hoàn thành đáp ứng 40% lưu lượng xe ở nội đô qua sông Sài Gòn vào thời điểm đó.
Hai năm sau, đoạn từ Bình Triệu tới nút giao Linh Xuân ở cuối tuyến tiếp tục hoàn thành, giúp nối thông đoạn dài hơn 12 km từ vòng xoay Nguyễn Thái Sơn tới quốc lộ 1. Trục đường này cũng được TP HCM đặt tên Phạm Văn Đồng để tỏ lòng biết ơn và ghi nhận công lao to lớn của cố Thủ tướng. Riêng phần còn lại của dự án là hai nhánh Hồng Hà và Bạch Đằng, năm 2016 mới thông xe, liên kết sân bay Tân Sơn Nhất về cửa ngõ phía Đông.
Người dân vui mừng đi trên đường Phạm Văn Đồng khi tuyến thông xe đoạn đầu tiên năm 2013. Ảnh: Hữu Công
Ngoài tạo trục đường mới, đại lộ cũng áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến trong việc xử lý nền đất yếu, sụt lún khu vực gần sông Sài Gòn. Dọc tuyến cũng được thi công hệ thống hào kỹ thuật để ngầm hóa các công trình điện, nước, viễn thông... giúp tăng mỹ quan đô thị. Hiện, đại lộ Phạm Văn Đồng được xem là tuyến đường đẹp nhất nội đô TP HCM.
Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM Phan Công Bằng cho biết việc triển khai đường Phạm Văn Đồng nằm trong chiến lược dài hạn của thành phố để tăng kết nối giao thông khu vực Tân Sơn Nhất về cửa ngõ phía Đông Bắc và hệ thống Vành đai 2, 3. Đây cũng là trục đường hướng tâm quan trọng liên kết các tuyến quốc lộ 13, 1, 1K, nối về khu vực Đông Nam Bộ.
Theo ông Bằng, đường Phạm Văn Đồng là dự án đầu tiên ở TP HCM và cả nước do doanh nghiệp nước ngoài triển khai theo hình thức BT. Do là phương thức đầu tư mới mẻ nên quá trình triển khai dự án phát sinh nhiều vướng mắc và là kinh nghiệm cho nhiều công trình sau đó.
Sau đường Phạm Văn Đồng, nhiều dự án giao thông trọng điểm ở TP HCM cũng được triển khai theo hình thức trên giúp giảm kẹt xe, thúc đẩy phát triển kinh tế và chỉnh trang đô thị, như cầu Sài Gòn 2, Ba Son (Thủ Thiêm 2), 4 tuyến đường ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Hướng tuyến đại lộ Phạm Văn Đồng. Đồ hoạ: Đăng Hiếu
Đăng thảo luận