UBND tỉnh Bắc Ninh vừa có báo cáo về thực trạng công tác bảo vệ, bảo quản, phát huy giá trị bảo vật quốc gia gửi Bộ VHTT&DL.
Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”.Theo đó, thực hiện văn bản hướng dẫn của Bộ VHTT&DL, UBND tỉnh Bắc Ninh đã giao Sở VHTT&DL chủ trì, phối hợp với Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) xây dựng hồ sơ hiện vật Kim bảo “Hoàng đế chi bảo” đề nghị Bộ VHTT&DL thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia đợt 13, năm 2024.
Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" triều Nguyễn cao 10,4cm, nặng 10,78kg, mặt ấn 13,8 x 13,7cm. Mặt dưới được đúc nổi 4 chữ triện: Hoàng đế chi bảo. Bên cạnh giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” là di sản văn hóa có ý nghĩa hết sức quan trọng với dân tộc, là biểu trưng của quyền lực chính trị trong một giai đoạn lịch sử nhất định trong tiến trình lịch sử Việt Nam.
Sau hơn một năm đàm phán, thương thảo và thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan, chiều 16/11/2023 (giờ Pháp) tại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, buổi lễ chuyển giao ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” cho phía Việt Nam đã chính thức diễn ra. Các thủ tục cần thiết để ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" được chuyển giao từ Pháp về Việt Nam đã được tiến hành.
Sau khi hồi hương, Công ty TNHH Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (Bắc Ninh) là đơn vị thực hiện việc lưu giữ, trưng bày, phối hợp với các đơn vị liên quan nhằm bảo vệ, phát huy giá trị của ấn vàng tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng theo quy định của Luật Di sản văn hóa.
Theo cuốn “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ”, ấn vàng được dùng cho các hoạt động công quyền, chính sự của triều Nguyễn như lễ khánh tiết, ban ân, xá tội, đi tuần thú các địa phương, sắc thư ban cho nước ngoài.
Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” nằm trong số 14 “kim ngọc, bảo tỷ” (ấn vàng, ấn ngọc) mà Hoàng đế Minh Mạng đã cho chế tác vào thời ông trị vì (1820 - 1841). Trong đó, 13 chiếc vẫn đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam. Chiếc duy nhất còn lại chính là ấn “Hoàng đế chi bảo” có số phận gian truân, nhưng cuối cùng cũng được hồi hương về cố quốc.
Đăng thảo luận