Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là một mặt hoạt động quốc phòng nhằm thực hiện mục tiêu bảo vệ vững chắc Tổ quốc bằng biện pháp hòa bình.
Trong những năm qua, hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đã phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, trở thành một trong những trụ cột của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân; phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp - nền tảng vững chắc để thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; tranh thủ hiệu quả các nguồn lực bên ngoài; nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của đất nước nói chung, Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế.
Tham gia nhiều hoạt động đối ngoại quốc phòng song phương, đa phương
Là quốc gia có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam thực hiện nghiêm chỉnh các nghĩa vụ, đồng thời tích cực hợp tác cùng các quốc gia khác giải quyết các vấn đề an ninh đang nổi lên, góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.
Hoạt động đối ngoại quốc phòng, an ninh không ngừng được mở rộng trên nhiều lĩnh vực. Các chuyến thăm chính thức Việt Nam của lãnh đạo Bộ Quốc phòng và lực lượng Quân đội các nước đã thể hiện sự quan tâm, quan hệ hợp tác tích cực trên lĩnh vực quốc phòng của các quốc gia đối với Việt Nam.
Đến nay, Việt Nam đã tham gia đầy đủ, liên tục tất cả các cơ chế hợp tác quân sự, quốc phòng do ASEAN dẫn dắt; tham gia đầy đủ ở cấp phù hợp với các diễn đàn an ninh quốc tế lớn trong khu vực; tham gia có trách nhiệm vào các tổ chức đa phương quốc tế và khu vực. Đặc biệt, đối ngoại quốc phòng đa phương đã có sự chuyển biến mạnh về tư duy từ “tham dự” sang “chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung”, đảm nhận và chủ trì thành công nhiều hoạt động hợp tác thực chất
Về quan hệ song phương, ta tiếp tục xử lý tốt quan hệ quốc phòng với các nước, đặc biệt là với các nước láng giềng, các nước lớn, góp phần xây dựng lòng tin, tạo thế đan xen chiến lược, bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc.
Đối thoại chính sách quốc phòng Việt Nam - Philippines lần thứ 5.Với các nước láng giềng, Việt Nam đã tổ chức thành công 07 lần giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới với Trung Quốc, 01 lần với Lào, 01 lần với Campuchia và chuẩn bị tổ chức Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia cấp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng lần thứ nhất vào trung tuần tháng 12 năm 2023; Giao lưu Hải quân, Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn với 06 nước, nhất là hàng chục cuộc giao lưu Biên giới các cấp của Bộ đội Biên phòng với lực lượng bảo vệ biên giới các nước tiếp giáp, cơ chế phối hợp tổ chức tuần tra chung trên bộ, trên biển; diễn tập phòng, chống tội phạm xuyên biên giới;...
Với đối ngoại quốc phòng đa phương, Quân đội đã tích cực tham gia có trách nhiệm và chủ động đóng góp xây dựng, đề xuất nhiều sáng kiến thiết thực tại các cơ chế hợp tác về quốc phòng, an ninh của khu vực và quốc tế, như: Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN Mở rộng (ADMM+), Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF), Đối thoại Shangri-La, Hội nghị an ninh quốc tế Moscow, Diễn đàn Hương Sơn - Bắc Kinh, Đối thoại Quốc phòng Seoul, v.v.
Là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, năm 2023, Việt Nam đã cử lực lượng Quân đội và Công an tham gia cứu hộ, cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ. Đặc biệt, việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là một điểm sáng của đối ngoại quốc phòng Việt Nam.
Sau hơn 9 năm Việt Nam tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn cho hay, những thành công nổi bật và ấn tượng của Việt Nam được dư luận trong nước và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Từ tháng 6/2014 đến nay, QĐND Việt Nam đã triển khai 533 lượt cán bộ, nhân viên đi làm nhiệm vụ tại các Phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, khu vực Abyei và Trụ sở Liên hợp quốc.
Lần đầu đảm nhận vai trò Chủ tịch Mạng lưới các Trung tâm Gìn giữ Hòa bình ASEAN
Năm 2023, lần đầu tiên Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch Mạng lưới các Trung tâm Gìn giữ Hòa bình ASEAN và đã tổ chức thành công các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị.
Trên cương vị Chủ tịch APCN, Việt Nam từng tổ chức thành công Hội nghị APCN bằng hình thức trực tuyến vào năm 2020 trong điều kiện tác động, ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Lần này, Việt Nam tiếp tục tổ chức Hội nghị APCN lần thứ 8 bằng hình thức trực tiếp.
Việc Việt Nam tổ chức liên tiếp 2 hội nghị APCN trong vai trò Chủ tịch APCN đương nhiệm đã góp phần trực tiếp vào việc duy trì động lực của APCN, tăng cường hợp tác nâng cao xây dựng năng lực cho các thành viên tham gia hiệu quả hơn vào các sứ mệnh Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Chủ trì Khoá huấn luyện Quan sát viên Quân sự Liên hợp quốc
Cùng với đó, hôm 18/12, tại Tiểu đoàn 31, Lữ đoàn 28, Quân chủng Phòng không-Không quân diễn ra buổi trình diễn tình huống tích hợp trên thực địa được tiến hành bởi lực lượng Việt Nam và Ấn Độ trong khuôn khổ Diễn tập song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc năm 2023 tại Việt Nam (VINBAX 2023).
Tại buổi trình diễn, 190 nhân sự của lực lượng Việt Nam và Ấn Độ thực hành tình huống xây dựng doanh trại kết hợp giải tán đám đông biểu tình, nhân viên Liên hợp quốc bị thương, tiến hành quy trình vận chuyển y tế đường không. Đây là một trong những tình huống điển hình, sát thực tiễn mà các nhân viên Liên hợp quốc có khả năng phải đối mặt khi làm nhiệm vụ tại địa bàn. Trong tình huống tích hợp này, Đội Công binh kết hợp đơn vị Quân y (Bệnh viện dã chiến cấp 1 tăng cường) thuộc biên chế Đội Công binh, với nhân sự được phân chia đều giữa hai lực lượng Việt Nam và Ấn Độ, tiến hành phối hợp hiệp đồng xử lý tình huống.
Trước đó, giữa tháng 9 vừa qua, tại Trung tâm Huấn luyện Quân sự Quốc gia 4 (Hà Nội), Việt Nam và Nhật Bản đồng chủ trì tổ chức Chương trình đánh giá năng lực (CEPPP) cho lực lượng chuẩn bị tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình (GGHB) Liên hợp quốc (LHQ) của Nhóm chuyên gia GGHB Chu kỳ 4 (2021-2023).
Hoạt động nhằm khẳng định vai trò, trách nhiệm của Việt Nam và nước đồng chủ trì Nhật Bản trong cơ chế hợp tác đa phương và song phương về GGHB LHQ trong khuôn khổ ADMM+, đóng góp thiết thực vào việc nâng cao hiệu quả tham gia hoạt động GGHB LHQ của các quốc gia thành viên ADMM+. Đây cũng là cơ hội tăng cường năng lực, khả năng phối hợp hiệp đồng của các nước thành viên ADMM+ trong chuẩn bị và triển khai lực lượng tham gia hoạt động GGHB LHQ, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác về lĩnh vực GGHB giữa Việt Nam và các nước ADMM+.
Các hoạt động không chỉ góp phần nâng cao năng lực về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc cho lực lượng của Việt Nam mà còn cho thấy cơ chế phối hợp hiệu quả trong lĩnh vực này với các nước đối tác, nhằm đóng góp chung cho sứ mệnh bảo vệ hòa bình thế giới, cũng như bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình.
Hải Vân
Đăng thảo luận