Những sáng kiến, cải tiến của họ không chỉ làm lợi cho doanh nghiệp và người dân mà còn giúp người lao động tại đơn vị được nâng cao tay nghề

Từ năm 2019 đến nay, một kỹ sư hóa đã liên tục có 14 sáng kiến cải tiến, làm lợi cho đơn vị hơn 2,6 tỉ đồng. Bên cạnh đó, anh còn trực tiếp chủ trì huấn luyện đào tạo tại xưởng sản xuất cho hơn 150 người lao động mỗi năm.

Thành quả của sự kiên trì

Đó là anh Nguyễn Thành Long (SN 1983), Giám đốc Sản xuất - Công ty CP Cao su Bến Thành (TP HCM). Anh Long được lãnh đạo đơn vị và đồng nghiệp nhận xét là người có khả năng sáng tạo không ngừng, giỏi chuyên môn, sống chan hòa, thường xuyên giúp đỡ người lao động trong công ty. 

Danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở từ năm 2019 đến 2023; bằng khen của UBND TP HCM các năm 2019, 2021, 2023... đã chứng minh những nhận xét về người đoàn viên Công đoàn xuất sắc này.

 NHỮNG KỸ SƯ ƯU TÚ (*): Dấn thân, sáng tạo 第1张

Anh Nguyễn Thành Long (bên phải) hướng dẫn đồng nghiệp kiểm tra sợi cáp trong băng tải lõi thép

Làm nhiều nhưng khi nói về công việc của mình thì anh Long khá kiệm lời. Anh cho rằng đó là việc mà ai cũng có thể làm được nếu chịu khó đầu tư suy nghĩ, tìm giải pháp tối ưu trong sản xuất.

Trong 14 sáng kiến, anh Long tâm đắc nhất là công trình "Nghiên cứu và triển khai sản xuất thành công dự án sản phẩm mới cao su kỹ thuật cao MP EVA". Đây là dòng sản phẩm cao su kỹ thuật cao xuất khẩu, trải qua nhiều công đoạn nên đòi hỏi công nghệ sản xuất riêng.

Anh Long nhớ lại: "Đứng trước thách thức phải đổi mới sản phẩm theo yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, tôi và cộng sự đã phối hợp với phòng kỹ thuật thiết lập quy trình sản xuất, đề xuất dây chuyền công nghệ, máy móc, thiết bị và quy trình kiểm soát chất lượng, sản xuất thử nghiệm thành công. Qua đó, kịp thời đưa vào sản xuất đại trà, đúng tiến độ và chất lượng mà khách hàng yêu cầu".

Sản phẩm từ sáng kiến này đủ tiêu chuẩn xuất sang Mỹ - thị trường khó tính bậc nhất trên thế giới. Sáng kiến của anh Long đã mang lại giá trị khoảng 1,2 tỉ đồng, được Hội đồng Sáng kiến Công ty CP Cao su Bến Thành công nhận tháng 12-2021.

Nghiên cứu sản xuất băng tải túi uốn dẻo chuyển rác đốt lò cao cũng là sáng kiến mà anh Long khá hài lòng. Đây là dòng sản phẩm hoàn toàn mới tại Việt Nam. Để có băng tải túi uốn dẻo, các doanh nghiệp đều phải nhập từ châu Âu với giá thành cao và thủ tục phức tạp.

Với sáng kiến này, anh Long dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu công nghệ, nguyên liệu sản xuất. Sau đó, anh thiết lập quy trình sản xuất, chế tạo thiết bị phụ trợ. Nỗ lực của anh đã thành công khi lần đầu tiên tại Việt Nam, một doanh nghiệp đã làm chủ được công nghệ sản xuất băng tải túi dài, giá thành chỉ bằng 1/3 so với hàng nhập khẩu.

"Tôi nghĩ sự kiên trì và ham học hỏi là hai yếu tố giúp mình có được những sáng tạo như vậy. Ngoài ra, sự quan tâm, tạo điều kiện của ban giám đốc, lãnh đạo tổng công ty cũng tiếp sức, tạo động lực cho tôi hoàn thành nhiệm vụ" - anh bày tỏ.

Nhiệt huyết với nghề

Lấy bằng kỹ sư cảnh quan và kỹ thuật hoa viên của Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, anh Nguyễn Hoàng Duy Lưu (SN 1989) đến công tác tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao - Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP HCM. Dành 12 năm thanh xuân làm việc tại đây, anh đã khẳng định mình như một hạt giống được gieo đúng mảnh đất màu mỡ nên ngày càng phát triển và cho ra nhiều hoa thơm, trái ngọt.

 NHỮNG KỸ SƯ ƯU TÚ (*): Dấn thân, sáng tạo 第2张

Kỹ sư Nguyễn Hoàng Duy Lưu trong vườn ươm lan của trung tâm

Đam mê nghiên cứu, anh Lưu luôn trăn trở tìm cách làm mới cho ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, phát triển bền vững, nâng cao nhận thức của người dân về một nền nông nghiệp sạch. Nhiều sáng kiến đã ra đời từ trăn trở ấy, góp phần mang lại hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Chẳng hạn, sáng kiến "Xây dựng quy trình trồng dưa lưới trên giá thể sử dụng nguồn nước bị nhiễm phèn, mặn tại huyện Cần Giờ" của anh Lưu mang lại hiệu quả cho người dân nơi đây, làm lợi khoảng 128 triệu đồng/1.000 m2/năm. Sáng kiến "Xây dựng mô hình sản xuất lan kiếm và lan giả hạc giai đoạn vườn sản xuất", "Xây dựng quy trình sản xuất bột mãng cầu dai sấy thăng hoa" đã ứng dụng thực tiễn, được đánh giá cao. Những sáng kiến này đã giúp tăng giá trị sản phẩm, lợi nhuận cho đơn vị từ 500 - 600 triệu đồng/năm.

Sáng kiến "Sử dụng dung dịch tảo và khoáng trong quy trình gieo ươm các giống cà tím, ớt, rau ăn lá, bầu, bí và khổ qua trong nhà màng" của anh Lưu cũng đã giúp nhiều hộ dân gạt bỏ nỗi lo tỉ lệ nảy mầm thấp, đồng thời cây giống phát triển khỏe mạnh hơn.

Hiện là Phó trưởng Phòng Nghiên cứu Cây trồng và Vật nuôi của trung tâm, ngoài nghiên cứu, anh Lưu còn tập huấn, giới thiệu các phương pháp canh tác nông nghiệp công nghệ cao cho thanh niên trên địa bàn TP HCM và một số địa phương khác.