Còn nhiều bất cập
Cách đây hơn 2 năm, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định 1045/QĐ-UBND, phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000, thuộc địa giới hành chính 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện. Quy hoạch có quy mô diện tích khoảng 11.000ha, trải dài từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở.
Khu vực bãi sông Hồng bị ngập trong đợt mưa lũ do bão số 3. Ảnh: Nguyễn Trọng Tài
Tuy nhiên đến nay, các quy hoạch chi tiết vẫn chưa hoàn thành. Tại các phường như Thanh Trì, Lĩnh Nam, Trần Phú (quận Hoàng Mai), người dân vẫn mong mỏi từng ngày bởi thiếu quy hoạch chi tiết, cuộc sống người dân vẫn chưa thể ổn định.
Ông Nguyễn Văn Mạnh (tổ dân phố số 4, phường Thanh Trì) cho biết, từ năm 2016 đến nay, toàn bộ khu vực dân cư ngoài đê không được cấp phép xây dựng khiến cho cuộc sống gặp khó khăn. “Nhà tôi hiện 3 thế hệ sinh sống nhưng chỉ loanh quanh căn nhà 2 tầng rộng chưa đến 40m2. Rất mong quy hoạch hoàn thành, tháo gỡ để người dân được xây dựng nhà cửa, Nhà nước đầu tư đường sá khang trang hơn”, ông Mạnh nói.
Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, tại các quận trung tâm như Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Tây Hồ... còn hàng nghìn thửa đất ngoài đê không được cấp sổ đỏ, mặc dù người dân đã sinh sống ở đó hàng chục năm. Có những khu dân cư hiện hữu hàng trăm mái nhà nhưng vẫn không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ông Trung (cư dân ngõ 32 An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ) nói rằng, việc cấp phép xây dựng khu vực này rất khó khăn, ảnh hưởng lớn đến người dân. Dù đã sinh sống ở đây từ trước năm 1993 nhưng nhà ông vẫn chưa được cấp "sổ đỏ".
"Không chỉ nhà tôi, các nhà xung quanh đều như thế, hiện phường đã tổ chức lấy ý kiến về quy hoạch. Người dân rất mong sớm có quy hoạch chi tiết, cấp sổ đỏ làm cơ sở để cấp phép xây dựng, giúp người dân ổn định cuộc sống", ông Trung chia sẻ.
Người dân ven sông Hồng di chuyển trong những ngày ngập lụt. Ảnh: Nguyễn Trọng Tài
Vì thế, khi nói đến chuyện sẽ phải di dời, nhiều người giật mình. Bà Ngô Thị Xuyến (60 tuổi, phố Bắc Cầu) cho biết, gia đình sinh sống ổn định từ năm 1987 đến nay. Hiện nay, đường sá khu vực này đã được tôn cao, hạ tầng được đầu tư nên không bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.
Ngay như đợt mưa lũ vừa qua, nước cũng không dâng vào khu dân cư, chỉ ngập vùng bãi. “Nếu phải di dời, chúng tôi sẵn sàng thực hiện, miễn sao Nhà nước đảm bảo quyền lợi cho dân”, bà nói.
Bà Xuyến cho biết, căn nhà của gia đình rộng khoảng 200m2, là nơi cư trú của 6 thành viên trong gia đình. Hằng ngày, chồng ra sông Hồng đánh cá, trồng thêm ít cây ngoài bãi. Bà bị bệnh ung thư giai đoạn 3 nên ở nhà mở quầy bán đồ ăn vặt cho học sinh để có thêm thu nhập.
Bà bảo, ở khu vực này không khí trong lành hơn ở phố, hạ tầng cũng được đầu tư khá tốt. Vì thế, bà và những người dân khác mong Nhà nước xem xét lại việc di dời khu dân cư Bắc Cầu.
Tương tự, khu dân cư Bồ Đề (phường Bồ Đề, quận Long Biên) cũng thuộc diện phải di dời theo quy hoạch để đảm bảo an toàn phòng, chống lũ trên sông Hồng. Bà Nguyễn Thị Liên, cho biết, đã ở đây hơn 30 năm nhưng chưa thấy khu vực này bị ngập lụt.
Ngay như đợt mưa lũ vừa qua, khu vực này cũng không bị ảnh hưởng, nước sông không dâng đến khu dân cư. “Thành phố và các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, đánh giá lại việc di dời để chống lũ”, bà Liên nói.
Ngày 3/10, tại họp báo thông tin về tình hình kinh tế-xã hội của UBND TP Hà Nội, liên quan đến câu hỏi của báo Tiền Phong về quy hoạch phòng chống lũ sông Hồng, đại diện lãnh đạo Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội cho biết, thành phố đang trình Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch Thủ đô, trong đó có nội dung về không gian thoát lũ. Trong dự thảo quy hoạch của thành phố cũng có phụ lục cụ thể về các khu dân cư ngoài đê, bãi sông được phép tồn tại. Khi quy hoạch được phê duyệt, sẽ có căn cứ để người dân đảm bảo ổn định cuộc sống, đảm bảo xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Hài hòa với thiên nhiên
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Vũ Diêm, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Trì (quận Hoàng Mai), cho biết, nước lũ dâng cao do ảnh hưởng của bão số 3 vừa qua không ảnh hưởng đến khu vực dân cư hiện hữu của phường do nền khu dân cư khá cao.
Đến thời điểm này, các quy trình chỉ định đơn vị tư vấn, phương án đều đã thực hiện. Dự kiến đến cuối năm 2024 có thể hoàn thành quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực ngoài bãi trên địa bàn phường.
Đại diện UBND quận Hoàng Mai cho biết, 3 phường ngoài đê đang thực hiện việc lấy ý kiến dân cư, xác định ranh giới khu dân cư hiện hữu, quận Hoàng Mai đã có văn bản xin ý kiến thống nhất của Sở NN&PTNT Hà Nội.
Tại quận Tây Hồ, hiện các phường có đê trên địa bàn cũng đang xác định khu dân cư hiện hữu để khoanh vùng khu cư dân. Đại diện UBND quận Tây Hồ cho biết, nhằm hiện thực hóa Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000, UBND quận Tây Hồ đã ban hành Kế hoạch số 206 về quản lý quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (đoạn R3-R4) và Kế hoạch số 92 về lập Quy hoạch chi tiết khu vực phân khu đô thị sông Hồng cho 5 phường ngoài đê.
“Quận đặt mục tiêu hoàn thành phê duyệt Quy hoạch chi tiết cho 2 phường Yên Phụ và Tứ Liên trong năm 2024”, đại diện UBND quận thông tin.
Quận Tây Hồ cho biết, quận đang xin ý kiến thống nhất của Sở NN&PTNT về việc khoanh vùng khu dân cư hiện hữu. Quyết định 257/QĐ-TTg năm 2016 và Quyết định 429/QĐ-TTg năm 2023 sửa đổi, bổ sung về phê duyệt quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình có phần phụ lục gồm 5 phường có dân cư ngoài bãi, 2 phường không có trong phụ lục là Phú Thượng và Yên Phụ.
“Nghĩa là cư dân 2 phường này sẽ phải di dời toàn bộ theo quy định, tuy vậy phường Yên Phụ là phường đang có dân cư hiện hữu rất đông. Nhưng nếu không khoanh vùng thì không có căn cứ để lập quy hoạch chi tiết”, vị đại diện nêu khó khăn.
Nhiều chuyên gia chia sẻ, cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão vừa qua là minh chứng cho sự khốc liệt của sông Hồng đối với khu vực bãi đê, hơn nữa cũng thể hiện quy luật lũ lụt hiện nay đã biến đổi với tần suất ngày một cao, phức tạp hơn. Một phần vì lý do này, quy hoạch chi tiết ở một số nơi đang thực hiện chậm, theo kiểu “ném đá dò đường”. Cần có sự tính toán cẩn thận khi thực hiện quy hoạch ngoài đê vì an toàn đê điều, an ninh quốc phòng, dân cư, phát triển đô thị... Đặc biệt đối với khu vực đang nghiên cứu xây dựng đô thị ven đê và khu sinh thái bãi giữa sông Hồng.
TS. KTS Trương Văn Quảng, Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, trong Quyết định phê duyệt phân khu sông Hồng đã xác định việc đầu tiên phải đảm bảo an toàn hành lang an toàn thoát lũ.
Sau cơn bão số 3, chắc chắn ý tưởng tương đối lãng mạn về công viên ở bãi giữa sông Hồng phải nhìn lại, phải thận trọng hơn. Sông Hồng vẫn là trục xanh nhưng ở mức độ thế nào để đảm bảo quan điểm phát triển xây dựng “thuận thiên, hài hòa với thiên nhiên”.
“Cơn bão số 3 vừa rồi là lời nhắc nhở người làm quy hoạch quan tâm vấn đề này. Chúng ta có thể tận dụng khai thác ở mức độ nào và không thể coi vùng bãi như vùng an toàn như trong đê”, KTS Quảng nói.
KTS Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc ATH Homes nhận định, quy hoạch chi tiết hiện được lập quá chậm nhưng không hoàn toàn do các quận, huyện. Vấn đề chính ở đây là thiếu dữ liệu tổng thể của quy hoạch. Các quận, huyện lập quy hoạch chi tiết đều phải dựa trên các quy hoạch này nhưng họ thiếu dữ liệu để lập cho phù hợp. Do đó, để đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch chi tiết, cần có sự tham gia hỗ trợ của các viện chuyên môn. “Có quy hoạch chi tiết sớm ngày nào người dân sẽ hưởng lợi ngày đó”, KTS Tuấn nhận định.
Xem nhiềuNgười lính
Đại tướng Phan Văn Giang dự, chỉ đạo Hội nghị bàn giao nhiệm vụ Tổng cục trưởng Tổng cục 2
Xã hội
Ngư dân Quảng Ngãi phát hiện 'tàu ma' trên biển
Pháp luật
[CLIP]: Kinh hoàng đoàn xe phóng bạt mạng trên phố, tông tử vong người đi đường ở Hà Nội
Xã hội
Miền Trung đón mưa lớn đỉnh điểm
Nhịp sống phương Nam
Đăng thảo luận