Được phát hiện lần đầu tiên tại VQG Vũ Quang, Hà Tĩnh vào năm 1992, Sao la trở thành loài thú lớn hiếm hoi được phát hiện trong thế kỷ 20. Loài thú bí ẩn này chỉ sinh sống ở những cánh rừng già Trường Sơn, dọc theo biên giới Việt – Lào với số lượng vô cùng ít ỏi.
Lần gần nhất Sao la được ghi nhận trong tự nhiên là năm 2013 thông qua hoạt động bẫy ảnh của WWF Việt Nam. Hơn 11 năm qua, chưa có thêm bức ảnh nào ghi nhận loài này trong tự nhiên bất chấp nỗ lực tìm kiếm không ngừng nghỉ của các tổ chức bảo tồn động vật hoang dã.
Trong nỗ lực bền bỉ ấy, với hy vọng có thể tìm kiếm và phục hồi quần thể thú bí ẩn này, một chương trình tìm kiếm Sao la ngoài tự nhiên mang tên "Giải cứu Sao la khỏi bờ vực tuyệt chủng" do EU tài trợ thông qua tổ chức Re:wild được triển khai từ tháng 10 năm 2022 đến tháng 7 năm 2024.
Hơn 11 năm qua, chưa ghi nhận được loài Sao la trong tự nhiên. Bức ảnh chụp Sao La năm 2013 của WWF - Việt Nam.
Dù chưa ghi nhận dấu chân loài Sao la, cũng chưa có bức ảnh nào chụp được loài thú quý hiếm này nhưng các hoạt động của dự án đã triển khai được nhiều phần việc nhằm tăng khả năng tìm kiếm và phát hiện loài thú này.
Các nhà bảo tồn đã xác định được 55 khu vực tiềm năng nhất từ tỉnh Nghệ An tới tỉnh Quảng Nam có khả năng còn sự hiện diện của Sao la và danh sách 46 người dân địa phương có kiến thức sinh thái bản địa. Đây là những người sẵn sàng tham gia hoạt động tìm kiếm Sao la cũng như hoạt động bảo tồn ngoại vi trong tương lai.
Theo đại diện của WWF Việt Nam, vượt xa so với mong đợi ban đầu, sự tham gia của đông đảo người dân địa phương có kiến thức về sinh thái bản địa sẽ là nền tảng cho việc triển khai các đợt điều tra thực địa chuyên sâu tiếp theo.
Các nhà bảo tồn cũng thực hiện khảo sát, nghiên cứu thực địa thông qua phương pháp bẫy ảnh và thu thập eDNA (mẫu DNA từ môi trường) để phát hiện những cá thể Sao la cuối cùng tại các khu vực ưu tiên.
Các nhà bảo tồn thu thập mẫu nước để tìm kiếm dấu vết loài Sao La tại tỉnh Quảng Bình. Ảnh: WWF - Việt Nam.
Chương trình lắp đặt 2.543 lượt bẫy ảnh và thu thập 1.178 mẫu eDNA tại 16 khu vực có mức độ ưu tiên cao nhất ở Trung Trường Sơn, trong đó tập trung vào các địa điểm có dấu vết Sao la như đường mòn động vật hay di chuyển và các nguồn nước.
Hai năm qua, khoảng 852.529 bức ảnh đã được chụp và 1.178 mẫu eDNA đã được thu nhận. Những mẫu này được chuyển đến các chuyên gia ở Đức và đang được phân tích chuyên sâu.
Ngoài ra, trong nỗ lực tăng cường nhằm bảo tồn Sao la và quần thể động vật hoang dã, một chiến dịch truyền thông mang tên “Giữ rừng nguyên vẹn – Tái hẹn Sao la” đã được thực hiện để nâng cao nhận thức cộng đồng, tăng mức độ nhận diện Sao la trên toàn khu vực Trung Trường Sơn và kêu gọi cộng đồng cung cấp thông tin có giá trị nhằm hỗ trợ công tác phát hiện và bảo tồn Sao la. Chiến dịch đã được triển khai trên 22 kênh truyền thông, tiếp cận 5,6 triệu người và thu hút 316.000 lượt tương tác.
Theo Tiến sĩ Văn Ngọc Thịnh, Tổng Giám đốc WWF Việt Nam, Tổ chức này vẫn có niềm tin trong vùng núi rừng của Trung Trường Sơn, ở một số nơi chưa thể khảo sát vẫn còn một số cá thể Sao la tồn tại.
“Với những nỗ lực chung của Chính phủ Việt Nam, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức bảo tồn và cộng đồng những người yêu thiên nhiên, WWF Việt Nam tin rằng vẫn còn cơ hội đảo ngược quá trình suy giảm đa dạng sinh học đang diễn ra nhanh chóng tại Việt Nam và trên phạm vi toàn cầu. Dẫu vậy, để đạt được mục tiêu khôi phục hệ sinh thái, bảo tồn các loài hoang dã, chúng ta cần gấp rút hành động và hành động hiệu quả”, ông Thịnh nói.
Ghi nhận nhiều loài thú quý hiếm khi tìm kiếm Sao la
Trong hành trình tìm kiếm loài Sao la, Dự án đã ghi nhận sự xuất hiện của 59 loài động vật hoang dã quý hiếm, có nguy cơ đe doạ cao ở vùng cảnh quan Trung Trường Sơn. Bốn trong số đó là những loài cực kỳ nguy cấp gồm Mang lớn, Tê tê, Chà vá chân nâu và Trĩ sao, riêng Mang lớn, loài thú phát hiện từ những năm 90 rất hiếm được ghi nhận trong tự nhiên. Ngoài ra, có 5 loài ở mức Nguy cấp gồm Voọc đen Hà Tĩnh, Voọc xám, Thỏ vằn, Cầy vằn bắc và Rùa núi viền.
Loài Mang lớn được ghi nhận tại VQG Vũ Quang, Hà Tĩnh trong hành trình tìm kiếm loài Sao la. Ảnh: WWF Việt Nam.
Theo đại diện của WWF Việt Nam, dữ liệu về quần thể động vật hoang dã này sẽ là cơ sở quan trọng cho dữ liệu đa dạng sinh học của vùng Trung Trường Sơn nói chung và là cơ sở để các Vườn Quốc gia, Khu Bảo tồn và các chủ rừng xây dựng phương án bảo tồn phù hợp.
Đại diện WWF Việt Nam kêu gọi người dân, nhất là người dân sống ở gần các khu rừng nâng cao nhận thức bảo tồn động vật hoang dã. Nếu các hành động săn bắt trái phép tiếp tục thì hành trình truy vết không chỉ dừng lại ở Sao la. Những Mang Trường Sơn, Gà lôi, Chà vá chân nâu, Thỏ vằn Trường Sơn hay các loài động vật khác đều có nguy cơ bị mất dần đi trong tự nhiên. Con người, vì thế, có nguy cơ phải đối mặt với tình trạng mất đa dạng sinh học cùng đứt gãy cân bằng sinh thái với những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Việt Nam phấn đấu có hệ thống khu bảo tồn rộng 6,7 triệu ha 11/07/2024 Nhiều giải pháp bảo tồn ở nơi đa dạng sinh học nhất Việt Nam 23/05/2024 Không chỉ bảo tồn, Việt Nam cần khôi phục đa dạng sinh học 22/05/2024Thế giới
‘Nhóc’ hà mã lùn Thái Lan bỗng dưng nổi tiếng khắp cõi mạng
Xã hội
Kon Tum tiếp nhận một cá thể trăn đất quý hiếm được người dân giao nộp
Khoa học
Người Scandinavia đã sử dụng thuyền làm bằng da động vật cách đây 5.000 năm?
Khoa học
'Siêu vi khuẩn' sẽ giết chết hàng chục triệu người vào năm 2050
Khoa học
Đăng thảo luận
2024-10-08 15:04:56 · 来自36.61.253.158回复
2024-10-08 15:14:52 · 来自171.12.173.55回复