Để lo cho hoạt động của lớp, các thầy cô càng phải giữ kẽ, giữ quy chế, giữ lòng tự trọng của nghề giáo. Một bước phải hỏi ý kiến, làm biểu quyết trên nhóm lớp, hai bước phải xin phép hiệu trưởng, ba bước phải báo cáo với phụ huynh...
Ảnh: The Washington Post
Tôi có hai đứa con gái, bé học lớp 3, bé lớp 2, đều ở trường công. Cho con học trường công, vì muốn con được tiếp xúc với một xã hội thu nhỏ, điều kiện và hoàn cảnh bạn bè khác nhau, để từ đó con học thêm được cách thích nghi và thấu cảm với mọi người.
Và tôi học được biết bao nhiêu điều.
Vừa dạy học vừa làm "kế toán"
Ba năm rồi tôi đều nằm trong ban đại diện cha mẹ học sinh của cả hai lớp. Có làm hội phụ huynh mới thấy thương cô, thương trò và cả thương phụ huynh nữa, bởi có nhiều cái khó, ai cũng khó.
Làm thầy cô giáo, làm bảo mẫu là một công việc cực nhọc.
Mỗi tối ôn bài cho hai đứa con, tôi đã thấy trần ai khoai củ. Còn cô thì phải oằn mình với hơn 30 đứa trẻ, vừa dạy, vừa ghi lời phê, vừa cho bé ăn - ngủ bán trú, lắng nghe bọn nhỏ chia sẻ, lại còn phải quay cuồng với họp hành trường lớp, phong trào thi đua.
Những cuộc họp phụ huynh không phải để... thu tiềnĐỌC NGAY
Đồng lương giáo viên còn cần nhiều vén khéo. Nhưng cô bỏ tiền túi để làm bìa bao tập cho các con, cô trang trí thêm cái này, mua thêm cái kia cho lớp học thêm sinh động.
Cô ngần ngừ hỏi có cần các cô giặt thảm ngủ, bao gối cho con không, phụ huynh có đồng ý không...
Cô mua bánh kẹo trong ngày Trung thu cho các con đỡ tủi thân với lớp khác. Rồi cô phải kê chi tiết nhãn hiệu dụng cụ vệ sinh lớp công khai trên nhóm chat...
Bao nhiêu thời gian để làm những việc "kế toán" đó, lấy đâu ra sức lực và tâm trí để làm đúng cái nghề cao quý của mình?
Để có điều kiện lo cho hoạt động của lớp, các cô càng phải giữ kẽ, giữ quy chế, giữ lòng tự trọng của nghề giáo. Một bước phải hỏi ý kiến, làm biểu quyết trên nhóm lớp, hai bước phải xin phép hiệu trưởng, ba bước phải báo cáo với phụ huynh...
Thành ra buổi họp phụ huynh đầu năm nào tôi cũng cố gắng chia sẻ những điều mình trông thấy với phụ huynh cùng lớp. Để chung tay thêm một phần quà nhỏ vào những ngày lễ, góp giúp các cô mua chút đồ dùng dạy học, chút quà liên hoan cho các con.
Trường ở quận nhỏ, vận động nhiều hay ít gì cũng khó. Không phải ai cũng có điều kiện như ai và đó cũng là điều phụ huynh cần phải học.
Có những lúc các con nóng quá, một số phụ huynh vận động cả lớp đóng góp mua máy lạnh, nhưng không được 100% thì cũng phải hiểu con người ta chịu được, cô giáo chịu được thì con mình cũng chịu được.
Có những ngày lễ không được đồng thuận trên kế hoạch đầu năm thì mình tổ chức theo kiểu tự nguyện và chia sẻ.
Phụ huynh đoàn kết, vui vẻ thì các con mới đoàn kết, vui vẻ được. Và để con trẻ mỗi ngày đến trường là một ngày vui, rất cần sự chung tay của phụ huynh với nhà trường.
Làm ban đại diện cha mẹ học sinh có "sướng" không?
Tôi từng nằm trong ban đại diện cha mẹ học sinh cho hai đứa con khi còn ở cấp 2. Quả thực đây là một công việc không dễ dàng, đúng nghĩa "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng".
Năm con trai tôi lên lớp 6, ban đại diện cha mẹ học sinh trong lớp đều là 3 phụ huynh nữ. Làm được một thời gian, xảy ra chuyện thu và chi quỹ lớp không khéo, một chị xin nghỉ, tôi bị "kéo" vào.
5 lý do nên bỏ ban đại diện cha mẹ học sinhĐỌC NGAY
Nhiều ý kiến cho rằng ban đại diện là "cánh tay nối dài" của thầy cô, nhà trường chưa hẳn là chính xác.
Có những việc nhỏ nhặt như mua bó hoa tặng thầy cô giáo nhân ngày 20-11, chuyện chi quỹ để tổ chức sinh nhật cho các con..., tất cả đều đưa lên group xin ý kiến.
Đa số đồng tình, chỉ một vài ý kiến không đồng thuận rồi cũng phải vận động, thuyết phục, vẫn không đồng ý thì phải dừng thực hiện.
Không phải thầy cô nào cũng muốn can thiệp vào chuyện của ban đại diện cha mẹ học sinh.
Có những chuyện tế nhị, nếu thầy cô trực tiếp trao đổi với từng phụ huynh sẽ không hay, còn phụ huynh thẳng thắn từ chối thì cũng sẽ ngại. Khi đó cần thông qua đại diện để đảm bảo tính khách quan, dễ trao đổi hơn.
Từ chuyện quỹ trường, quỹ lớp cho đến chuyện máy lạnh, rèm che cửa, chuyện ăn uống, ngủ nghỉ, tăng giảm tiết của học sinh..., nếu không nói trực tiếp được với thầy cô đều "kêu" ban đại diện. Quả thật rất mất thời gian và áp lực.
Con lớn tôi lên lớp 9 thì con nhỏ vào lớp 6, tưởng "thoát nạn" ai ngờ lại một lần nữa "bị" bầu tiếp vào ban đại diện cha mẹ học sinh...
Có những lần lớp tổ chức đi chơi, quỹ góp không đủ so với kế hoạch chi tiêu, chị trưởng ban phải bỏ tiền cá nhân vào cho đủ. Phụ huynh lớp đề xuất thay màn hình lớn hơn vì tivi cũ nhỏ, hình ảnh mờ..., phụ huynh chia hai luồng ý kiến, cũng chị trưởng ban bỏ tiền cá nhân ra tài trợ...
Thật sự có những câu chuyện khó xử của người "ở giữa", ban đại diện cha mẹ học sinh cần phải có cách ứng xử khéo léo.
Đôi khi phải dung hòa giữa phụ huynh và thầy cô cũng như các chủ trương chung của trường, mục đích chung là tốt cho các con mà đôi khi một số phụ huynh chưa hiểu hết nên thiếu sự chia sẻ.
Đăng thảo luận