TP.HCM cần 36 tỉ USD để làm 183km đường sắt đô thị. TP sẽ phát hành trái phiếu đường sắt đô thị, người dân TP.HCM hãy mua trái phiếu để cùng TP.HCM thực hiện dự án.
Toàn cảnh phiên làm việc thứ 3 Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM lần thứ 12 - Ảnh: HỮU HẠNH
Sáng 3-10, phiên làm việc thứ 3 của Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM lần thứ 12, nhiệm kỳ 2024-2029 diễn ra phiên đối thoại giữa Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi với các đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM.
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội trước phiên đối thoại, ông Phan Văn Mãi - chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết dự kiến TP.HCM sẽ đạt 14/22 chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ 11 của TP.HCM, 5 chỉ tiêu phấn đấu đạt.
Còn lại có 3 chỉ tiêu khó đạt là GRDP bình quân hằng năm, tổng vốn đầu tư xã hội và tốc độ tăng năng suất lao động xã hội.
Giai đoạn 2026-2030, TP.HCM đặt mục tiêu các trụ cột phát triển kinh tế dựa trên ngành thương mại - dịch vụ chất lượng cao, công nghiệp công nghệ cao, xây dựng hiện đại, kinh tế biển bền vững, gắn với kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn.
GRDP tăng trưởng bình quân đạt 8,5 - 9% giai đoạn 2021-2030. Đến 2030, GRDP bình quân đầu người khoảng 12.300 - 12.700 USD...
TP.HCM cũng xây dựng 5 chiến lược tầm nhìn đến 2050: TP.HCM là đô thị toàn cầu, hấp dẫn và bền vững; trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc; người dân có chất lượng sống cao; phát huy vai trò của TP là hạt nhân của vùng TP.HCM, vùng Đông Nam Bộ và cực tăng trưởng của cả nước.
Chủ tịch UBND TP.HCM đề ra 3 đột phá để thực hiện các tầm nhìn gồm hoàn thiện thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát triển công nghệ cao, chuyển đổi xanh, nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng đội ngũ doanh nghiệp chiến lược.
Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại đại hội - Ảnh: HỮU HẠNH
Đáng chú ý là đột phá huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư hạ tầng, tái cấu trúc không gian đô thị. Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng đóng góp của nhân dân cho các dự án, công trình lớn của TP.HCM là rất quan trọng.
"Với sức của nhân dân TP.HCM thì chắc chắn chúng ta sẽ làm được việc rất lớn lao, thậm chí là làm được những dự án hàng trăm tỉ đô la. Tôi có niềm tin mạnh mẽ về việc này", ông Mãi nói.
Tại đại hội, ông Mãi đã giới thiệu đến các đại biểu đề án hệ thống đường sắt đô thị. Đến năm 2035, TP.HCM phải cơ bản hoàn thành 183km đường sắt đô thị và cần 36 tỉ USD để thực hiện.
TP.HCM có cơ chế phát hành trái phiếu, TP.HCM sẽ phát hành trái phiếu đường sắt đô thị.
Ông Mãi cho rằng đây là dự án lớn, cần huy động sự đóng góp của người dân.
"Thay vì bà con gửi tiền ngân hàng hằng tháng có thể lãi suất cao hơn, nhưng mua trái phiếu để cùng đóng góp xây dựng TP. Bà con mua trái phiếu đóng góp kinh phí để TP.HCM triển khai.
Sau đó TP.HCM tính toán hiệu quả bằng việc khai thác quỹ đất cộng với các tác động của kinh phí xã hội rất tốt về sau để trả lại lợi ích cho người dân", ông Mãi nói.
Chuẩn bị trình Quốc hội dự án đường vành đai 4
Bên cạnh đó, chủ tịch UBND TP.HCM cũng thông tin về dự án đường vành đai 4. Dự án dài 206km với kinh phí khoảng 136.000 tỉ đồng.
Về công tác giải phóng mặt bằng, các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương đề nghị trung ương hỗ trợ 50% kinh phí, 50% ngân sách địa phương tự cân đối. Riêng TP.HCM sẽ tự cân đối ngân sách.
Về phần xây lắp sẽ áp dụng hình thức PPP, cụ thể là BOT. Ngân sách nhà nước tham gia tối đa không quá 70%, còn lại là các nhà đầu tư. TP.HCM đang phấn đấu trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới đây.
Đăng thảo luận