YênBái - Mùa khô nắng nóng kéo dài cùng tác động của gió Lào, những cành cây, tán lá và những thảm thực vật khô ron, chỉ cần một hành vi vô trách nhiệm hoặc vô tình của con người, một tàn lửa cũng đủ gây ra những vụ cháy nghiêm trọng. Vì vậy, ngành chức năng, chính quyền địa phương cần chủ động các biện pháp phòng cháy, chữa cháy (PCCC) rừng.

Chủ động phòng chống cháy rừng  第1张 Trấn Yên tổ chức diễn tập phòng cháy chữa cháy rừng tháng 10/2023. Ảnh minh họa

>> Kiểm tra công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng ở các huyện phía Tây
Theo số liệu của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, từ đầu năm đến thời điểm 14/3, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 8 vụ vi phạm các quy định về PCCC Rừng gây thiệt hại 27,89 ha rừng, trong đó có 6,09 ha rừng trồng và rừng tự nhiên 21,8 ha. 
Nóng bỏng hơn cả là các huyện, thị phía Tây của tỉnh - nơi có khí hậu khắc nghiệt cùng với tập quán đồng bào đốt nương làm rẫy, trong đó phải kể đến 2 huyện vùng cao Mù Cang Chải, Trạm Tấu khi để xảy ra đến 7 vụ cháy rừng. Mới đây là vụ cháy rừng xảy ra ngày 25/3, tại khu vực rừng tại bản Dào Cu Nha và Hú Trù Lình, giáp ranh giữa xã Chế Tạo và Lao Chải, huyện Mù Cang Chải. 
Để dập tắt đám cháy, chính quyền sở tại đã huy động cả trăm người lên rừng chữa cháy. Nếu cứ để xảy ra các vụ cháy rừng như thời gian qua thì tốc độ trồng rừng cũng không bù lại tốc độ cháy rừng. Hiện nay, nguyên nhân các vụ cháy rừng đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ. 
Tuy nhiên, theo thống kê của ngành chức năng, ngoài yếu tố bất lợi về thời tiết thì nguyên nhân chủ yếu là do người dân phát nương làm rẫy, đốt bãi chăn thả để cháy lan vào rừng. Khi xảy ra các vụ cháy rừng, dù lực lượng phòng cháy, chữa cháy đã được huy động theo phương châm "4 tại chỗ” nhưng nhìn chung rất khó để dập tắt. 
Từ thực trạng các vụ cháy cho thấy, công tác tổ chức tuyên truyền ở nhiều địa phương còn mang tính hình thức; công tác quản lý nương rẫy nơi đồng bào còn có tập quán đốt nương rẫy, bãi chăn thả còn nhiều hạn chế; nhiều địa phương chưa thường xuyên kiểm tra công tác PCCC ở các thôn bản, nhất là những ngày cao điểm dễ xảy ra cháy rừng. 
Công tác chữa cháy hiện còn nhiều khó khăn, do lực lượng mỏng, trang thiết bị phục vụ cho công việc chữa cháy còn thô sơ, phần lớn thiết bị là thủ công tự túc. Ngoài ra, do địa hình núi cao nên việc khoanh vùng, kiểm soát cháy gặp rất nhiều khó khăn, nhất là tại các thôn, bản vùng cao xa khu dân cư.
Trước thực tế trên, để công tác PCCC Rừng thật sự hiệu quả, thiết nghĩ, ngành chức năng, chính quyền địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân. Các huyện vùng cao nơi người dân có tập quán đốt nương làm rẫy, đốt bãi chăn thả cần tăng cường quản lý các hoạt động canh tác nương rẫy gần rừng, quy định cụ thể khu vực nghiêm cấm đốt rẫy và những hành vi dùng lửa khác, hướng dẫn và quản lý chặt chẽ việc đốt nương làm rẫy theo quy hoạch. 
Ngành chức năng cần thường xuyên kiểm tra công tác PCCC tại các địa phương; đầu tư trang thiết bị; thường xuyên tổ chức diễn tập các phương án PCCC và tìm kiếm cứu nạn sát với tình hình thực tế địa phương theo phương châm "4 tại chỗ” để không bị động, bất ngờ, dập tắt đám cháy hiệu quả. Đặc biệt, với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, thiếu tinh thần trách nhiệm, để xảy ra cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản cần xử lý nghiêm, nhằm từng bước nâng cao hiệu quả trong công tác PCCC Rừng.
Nguyễn Văn

Tags phòng chống cháy rừng PCCCR nắng nóng khô hanh