Nếu cố 'ép' con du học quay về, mối quan hệ gia đình sẽ vướng mắc, càng nguy cơ 'mất con'.

"Nếu con của tác giả tiêu tốn tiền du học, quay về Việt Nam tranh giành đòi tài sản, thì sẽ như thế nào? 'Mất con' là đề xuất phát từ cách nhìn nhận và đánh giá của tác giả.

Con đi du học, sau đó đã đứng vững và tự lập trong một môi trường xa lạ, vẫn quan tâm tới tuổi già của bố mẹ đó là điều nên mừng. Không thiếu gì cha mẹ khốn khổ vì con mãi không chịu lớn, cứ bám víu vào bố mẹ như cây tầm gửi thì đó mới nên xem là 'mất con'.

Nếu giữ mãi quan điểm ấy, sẽ gây thêm khó khăn vướng mắc cho mối quan hệ cha mẹ- con cái vốn đã kéo giãn ra do khoảng cách thế hệ và địa lý, khi ấy có nguy cơ mất con thật sự".

Độc giả nickname thitam100673 đưa ra lời khuyên như trên, về sự lựa chọn ở lại nước ngoài sau du học, của người con trong bài viết Du học không màng thừa kế nhà 7 tỷ, vợ chồng tôi 'mất con'.

Bài viết nhận được nhiều thảo luận của độc giả.

"Tôi nghĩ bậc cha mẹ nên xem lại thế nào là 'mất con'. Nếu chỉ là khoảng cách địa lý mà cho rằng 'mất con' thì quan điểm ấy là khó có thể chấp nhận được. Tôi không rõ các vị trông mong và chờ đợi gì ở thế hệ sau?

Tôi nghĩ chúng ta cũng nên 'tự lập' thay vì hy vọng và đòi hỏi con cái phải có trách nhiệm thế này thế kia với mình. Tôi chỉ cần nhìn thấy con cái trưởng thành, là người có đạo đức, có thể tự lập trên đôi chân của mình, biết cách tìm thấy hạnh phúc là đủ rồi.

Mỗi cá nhân ở mỗi thời đại khác nhau có ý chí và nguyện vọng khác nhau. Không nên áp đặt thế giới của thế hệ mình cho con cháu làm gì", bạn đọc Paramedic8660 nêu quan điểm.

Độc giả hoangquyetthang2511 cho rằng quan trọng là con có công ăn việc làm ổn định, ở đâu không là vấn đề:

"Tôi nghĩ là vợ chồng tác giả nên vui mới phải, vì con đã có môi trường sống tốt, không màng tới đến tài sản của cha mẹ, đó là điều mà tôi luôn mong muốn và vô cùng trân trọng.

Còn việc con ở xa hay ở gần để chăm sóc cha mẹ nó phụ thuộc rất lớn đến đạo đức, kinh tế, công việc của người con nữa.

Tôi thấy cháu tôi ở nước ngoài về thăm cha mẹ còn nhiều hơn gấp nhiều lần tôi về quê thăm cha mẹ tôi. Khi cha mẹ ốm đau các cháu về chăm đến lúc khỏi mới đi. Các cháu có thu nhập tốt, làm việc qua máy tính, ngồi đâu cũng làm được.

Còn con cái ở gần mà làm ăn không tốt, thì gặp cha mẹ còn chả thèm chứ đừng nói là chăm sóc. Tác giả đưa đất, nhà ra để 'dụ' con về đó là một sai lầm lớn, vì một khi con muốn hưởng thụ gia tài của cha mẹ thì đừng mong nhờ cậy được.

Vì đó là con người thích hưởng thụ chứ không thích cống hiến, nếu có cống hiến thì cũng chỉ là miễn cưỡng, làm không ra gì mà thôi".

Có con vừa mới đi du học, độc giả Phương Minh chia sẻ:

"Con tôi vừa đi du học, dù ông bà nội cũng có tư tưởng như tác giả: Cho đi là mất con mất cháu. Tôi còn hai cháu nữa cũng sẽ theo chị, và tôi cũng đã mua một mảnh đất đồi giáp hồ, để con đi rồi thì về đó sống, vì khu vực đó nằm giữa nhà mẹ đẻ và mẹ chồng tôi.

Tôi dạy con: Chồng thích thì lấy, không thì thôi; con thì có khả năng nuôi được thì đẻ, không cũng không cần (tuy nhiên có con là điều tuyệt vời nhất trong đời); không nói đến chồng tệ bạc, chỉ cần cả hai không cùng chí hướng, thì có thể ly dị để sống trọn vẹn cuộc đời mình, tự mình lựa chọn hết.

Tất cả mọi vấn đề, giải quyết như thế nào, chọn cách sống như thế nào, không phải nằm ở tuổi tác, mà ở tư duy của mỗi người".

Hữu Nghị tổng hợp