Mức phạt cho hành vi hủy hoại đất đai lên tới 500 triệu đồng với cá nhân và 1 tỷ đồng với tổ chức, gấp gần 7 lần quy định cũ.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 123 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, hiệu lực từ ngày 4/10. Điểm mới của nghị định là nâng mức phạt với hành vi hủy hoại, lấn chiếm đất đai.
Trong đó, phạt 2-100 triệu đồng với hành vi làm suy giảm chất lượng đất như gây bạc màu, xói màu, rửa trôi đất nông nghiệp, thay đổi lớp mặt của đất sản xuất nông nghiệp bằng chất thải... Hành vi làm biến dạng địa hình như thay đổi độ dốc bề mặt đất, hạ thấp bề mặt đất, san lấp đất có mặt nước chuyên dùng... sẽ bị phạt 5-200 triệu đồng, tùy diện tích bị hủy hoại.
Trường hợp hủy hoại đất đai nhưng không thể khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất, mức xử phạt bằng 2 lần mức phạt với loại đất tương ứng, song tối đa không quá 500 triệu đồng với cá nhân và 1 tỷ đồng với tổ chức. Mức này tăng mạnh so với quy định trước đây khi mức phạt dao động 2-150 triệu đồng, không phân chia cụ thể hành vi và mức độ hủy hoại. UBND tỉnh được giao quy định các trường hợp không khả thi và mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất.
Nghị định 123 cũng nâng mức xử phạt với hành vi lấn, chiếm đất với mức. Trường hợp lấn đất hoặc chiếm đất nông nghiệp (không phải đất trồng lúa, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất) sẽ bị xử phạt 3-200 triệu đồng, tùy diện tích lấn chiếm. Trong khi mức phạt cao nhất theo quy định cũ là 150 triệu đồng.
Với đất trồng lúa, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất, hành vi lấn chiếm bị xử phạt cao nhất 200 triệu đồng với diện tích từ 1 ha trở lên, tăng khoảng 33% so với trước đây. Hành vi lấn, chiếm đất của phường, thị trấn bằng hai lần mức xử phạt với loại đất tương ứng, không quá 500 triệu đồng với cá nhân và 1 tỷ đồng với tổ chức.
Quy định mới cũng bổ sung mức xử phạt hành vi lấn, chiếm đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý từ 3 đến 200 triệu đồng, tùy diện tích. Người lấn, chiếm đất buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ việc vi phạm.
Ngọc Diễm
Đăng thảo luận