Người dân chôn chân 3 tiếng chưa ra khỏi Hà Nội, kiệt sức trên đường về quê

(Dân trí) - Khi tài xế thông báo xe đã lên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Thảo Linh và các hành khách mới thở phào nhẹ nhõm, biết sắp được về nhà sau 3 tiếng chôn chân ở trung tâm thành phố.

Gần ba tiếng ngồi trên xe limousine từ Hà Nội về Hải Phòng, Thảo Linh (29 tuổi, quận Ba Đình) vẫn chưa thể ra khỏi trung tâm thành phố. Ngày thường, cô chỉ mất 2 tiếng về đến nhà, nhưng thời gian này tăng lên gấp đôi đúng cao điểm nghỉ lễ 2/9.

Linh đặt vé dịch vụ từ ngày 28/8, chấp nhận mức giá cao gấp đôi so với xe khách thông thường. Nhà xe hẹn đón cô trên phố Đào Tấn vào 17h ngày 30/8, nhưng chậm một tiếng so với dự kiến do ùn tắc.

"Các phương tiện đều chôn chân trên đường, tất cả tuyến đường lớn dẫn ra cầu Chương Dương, Nhật Tân, Vĩnh Tuy để ra cao tốc đều ùn tắc kéo dài", cô nói, cho hay cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức vì phải chờ đợi. 

Gần 21h, khi tài xế thông báo xe đã lên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Linh và 11 hành khách khác mới thở phào nhẹ nhõm.

Người dân chôn chân 3 tiếng chưa ra khỏi Hà Nội, kiệt sức trên đường về quê  第1张

Các phương tiện ùn tắc trong chiều 30/8, trước thềm nghỉ lễ kéo dài 4 ngày (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Rút kinh nghiệm từ những hành trình về quê gian nan các dịp lễ trước, Ngọc Hân (25 tuổi) đã đặt vé xe từ đầu tháng 8.

Cô ví von đây như một "cuộc chiến săn vé". Nếu không kịp đặt vé giường nằm, sẽ phải chuyển xuống ngồi lối đi trong tư thế bó gối, không thể duỗi chân suốt quãng đường 300km từ Hà Nội về Hà Tĩnh.

"Tôi sẵn sàng bỏ ra mức giá cao hơn để mua vé cao cấp để nằm thoải mái, tránh không bị làm phiền", cô nói.

Hân chọn về xe đêm, nghĩ rằng sẽ thoát cảnh tắc đường. Nhưng cô gái không ngờ tình trạng kẹt cứng, hỗn loạn diễn ra khắp mọi ngả đường vào buổi tối.

Cũng giống những lần trước, nhìn cảnh dòng xe nhích từng chút mới thoát ra khỏi Hà Nội, cô đã quá ám ảnh.

"Mỗi lần về quê chỉ mất khoảng 5-6 tiếng, nhưng có vẻ lần này sẽ kéo dài. May mắn tôi đã chọn vé giường nằm dịch vụ, hi vọng ngủ một giấc sẽ đến nhà", cô nói.

Người dân chôn chân 3 tiếng chưa ra khỏi Hà Nội, kiệt sức trên đường về quê  第2张

Hân chọn xe giường nằm dịch vụ rộng rãi, dù tắc đường song vẫn cảm thấy thoải mái hơn những lần trước (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện một hãng xe lớn chuyên tuyến Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Hà Tĩnh cho biết đã hết vé chiều đi, chiều về từ ngày 30/8 đến 3/9, khách có xu hướng đặt vé từ trước một tháng.

"Chúng tôi đã dừng đặt vé trực tuyến từ nhiều ngày trước. Hệ thống đường dây nóng đặt vé liên tục quá tải", vị đại diện cho hay.

Trong chiều 30/8, tranh thủ ngày làm việc cuối cùng, nhiều người dân rời Hà Nội về quê nghỉ lễ 2/9 (kéo dài 4 ngày) đã khiến nhiều tuyến đường, phố của thủ đô ùn tắc nghiêm trọng, có thời điểm đường Vành đai 3 trên cao ùn tắc kéo dài hơn 5km.

Ông Nguyễn Hoàng Tùng, Giám đốc Bến xe Giáp Bát, cho biết trong các ngày cao điểm, đơn vị tiếp đón khoảng 12.000-15.000 lượt khách/ngày, chủ yếu ở các tuyến Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nam....

"Chiều 30/8, bến xe đón tiếp khoảng 15.000 lượt khách. Để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách, chúng tôi đã huy động tăng cường hơn 200 lượt xe", ông Tùng nói.

Người dân chôn chân 3 tiếng chưa ra khỏi Hà Nội, kiệt sức trên đường về quê  第3张

Các bến xe trong tình trạng quá tải chiều 30/8 (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Không kịp "săn" vé về quê tối 30/8, Kim Ngân (20 tuổi, quận Cầu Giấy) gọi tổng đài của hãng xe nhiều lần mong tìm vé tránh ngày cao điểm song vẫn thất bại. Máy liên tục báo bận khiến cô khá hoang mang.

Ngân lên các hội nhóm tìm vé xe ghép với mức giá 500.000 đồng/vé, nhưng xe thông báo chạy giờ muộn trong khi cô sốt ruột về quê sớm.

Sau nhiều lần gọi cho hãng xe quen, cô đặt được một vé sớm nhất 5h45 ngày 31/8, đi từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Lục Yên (tỉnh Yên Bái).

Nhà xe thông báo vé giường nằm tầng một đã hết, cô đặt vé bao trọn giường đôi tầng 2, giá 300.000 đồng, để nằm một mình, tránh bị làm phiền.

"Dù nhà xe đã tăng cường nhiều chuyến so với ngày thường, tôi vẫn không thể đặt vé như mong muốn. Ngày thường, tôi chỉ cần gọi trước một ngày là thoải mái có xe về quê", Ngân nói.

Nữ sinh cho biết giá vé không tăng so với ngày thường, song khó đặt hơn, đôi khi chấp nhận nằm chỗ không thoải mái. Xe khách chật vật nhất là khi rời khỏi trung tâm Hà Nội, mất nhiều thời gian để thoát khỏi những "điểm đen ùn tắc".

"Nhiều lúc nhìn ra cửa sổ thấy cảnh tắc đường kinh hoàng mà chán nản. Các xe nhích từng tí một, chôn chân mất cả tiếng đồng hồ", Ngân nói.