Lao động nữ sang Đức làm cơ khí, thu nhập chạm ngưỡng 90 triệu đồng/tháng

(Dân trí) - Công việc từng được xem là chỉ dành cho lao động nam nhưng nay ngành cơ khí tại Đức có xu hướng tuyển chọn nhiều lao động nữ, với thu nhập hấp dẫn.

Khi nữ giới làm cơ khí

Chuẩn bị lên chuyến bay sang Đức, Vũ Hoài Thương (24 tuổi) và Trần Thị Tuyết Như (21 tuổi) không khỏi háo hức xen lẫn hồi hộp. Cả hai sẽ là những lao động nữ làm việc ở vị trí kỹ thuật viên cắt kim loại tại doanh nghiệp ở Đức.

Lao động nữ sang Đức làm cơ khí, thu nhập chạm ngưỡng 90 triệu đồng/tháng  第1张

Hoài Thương trong quá trình học ngành cơ khí tại trường. Cô cho biết lĩnh vực này không quá nặng nhọc như cô từng nghĩ, bởi phần lớn là vận hành máy móc (Ảnh: Nguyễn Vy).

Tuyết Như bộc bạch, bản thân chưa từng nghĩ mình sẽ theo ngành cơ khí và cũng không ngờ sẽ có cơ hội đi nước ngoài làm việc.

"Trước đây, ngành này thường dành cho lao động nam. Nhưng sau khi tìm hiểu, tôi mới biết có 2 loại cơ khí chế tạo và cơ khí lập trình. Cơ khí chế tạo thường phức tạp và nặng nhọc hơn, cơ khí lập trình thì không đòi hỏi điều đó.

Càng tìm hiểu, tôi càng thấy lĩnh vực này hay nên quyết định theo đuổi, học tập tại trường. Sau một thời gian, mọi thứ càng mở ra nhiều kiến thức và cơ hội thú vị hơn", Tuyết Như nói.

Hoài Thương cho hay ba mẹ của cô cũng làm việc trong ngành cơ khí. Thời gian đầu, Thương bị ba mẹ phản đối khi quyết định ngưng học tại Đại học Tôn Đức Thắng để rẽ ngang sang học ngành cơ khí. Tuy nhiên, sau khi nghe Thương thuyết phục, cả nhà cũng đồng ý cho cô thử thách bản thân ở lĩnh vực đầy mới lạ này.

Hoài Thương chia sẻ: "Trước giờ mọi người thường nghĩ doanh nghiệp cơ khí chỉ tuyển nam, nhưng giờ tình hình đã khác.

Tôi cảm giác các doanh nghiệp tuyển chọn lao động rất công bằng, dựa vào thực lực của ứng viên là chính chứ không còn quan trọng giới tính như trước nữa. Vì vậy, ngành cơ khí tại Đức đang mở ra nhiều cơ hội mới cho lao động nữ".

Trong quá trình học, Thương được dạy về văn hóa, lịch sử cũng như luật pháp của Đức. Cô rất mong chờ việc trải nghiệm thực tế, sống và làm việc tại đất nước Tây Âu này.

Ngoài những trải nghiệm mới, Thương cho hay thu nhập là một yếu tố quan trọng thu hút cô đến với nghề. Sắp tới, Thương sẽ làm việc tại một công ty ở Đức, với mức lương dự kiến 2.300 - 3.200 Euro/tháng (63-88 triệu đồng).

Tại sự kiện tiễn 2 lao động Việt có tay nghề nói trên sang Đức, do Tổng Lãnh sự quán Đức tổ chức ngày 16/8 tại TPHCM, ông Christopher Scholl, Phó Tổng Lãnh sự quán Đức tại TPHCM, đề cao sự hợp tác giữa Việt Nam và Đức trong lĩnh vực lao động.

Lao động nữ sang Đức làm cơ khí, thu nhập chạm ngưỡng 90 triệu đồng/tháng  第2张

Ông Christopher Scholl, Vũ Hoài Thương và Trần Thị Tuyết Như tại sự kiện sáng 16/8 (Ảnh: Nguyễn Vy).

Trong khuôn khổ chương trình "Cơ chế đối tác thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp và Di cư lao động định hướng phát triển" (PAM), Thương và Như là 2 trong số 11 lao động được lựa chọn sang Đức làm việc trong năm nay.

Hoài Thương và Tuyết Như được đánh giá là những học viên có thành tích xuất sắc. Vì thế, không ít doanh nghiệp tại Đức đã chủ động tìm đến, phỏng vấn tuyển chọn cả hai cũng như nhiều học viên khác sang Đức làm việc ở vị trí kỹ thuật viên cắt kim loại.

Cơ hội mở cho lao động Việt

Trước đó, 6 lao động Việt được chọn đã bay sang Đức làm việc. Thương và Như cũng sẽ bay sang Đức vào ngày 17/8.

"Điều này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc thúc đẩy quyền lợi của phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực kỹ thuật, mà trước đây đa số chỉ dành cho nam giới.

Những người lao động nhập cư có trình độ như Như và Thương là những người minh chứng cho tác động tích cực trong việc hợp tác dạy nghề và giáo dục kỹ thuật giữa hai nước, góp phần nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam và nâng cao khả năng cạnh tranh kinh tế", Phó Tổng Lãnh sự Đức tại TPHCM Christopher Scholl nói.

Lao động nữ sang Đức làm cơ khí, thu nhập chạm ngưỡng 90 triệu đồng/tháng  第3张

Phó Tổng Lãnh sự quán Đức tại TPHCM Christopher Scholl cho hay, doanh nghiệp cơ khí tại Đức đang dần chuyển sang tuyển dụng nhiều lao động nữ (Ảnh: Nguyễn Vy).

Ông Christopher Scholl cho biết trước đây, ngành cơ khí nói chung đa phần tuyển dụng lao động nam làm việc. Tuy nhiên, khi xã hội phát triển, các công ty lĩnh vực cơ khí dần nhận ra tiềm năng ở lao động nữ, thậm chí, một số doanh nghiệp còn đánh giá lao động nữ làm việc tốt hơn nam.

"Các công ty nhận thấy cần có sự cân bằng nam-nữ trong môi trường lao động, không riêng gì ở lĩnh vực cơ khí", Phó Tổng Lãnh sự quán Đức nói.

Bà Afsana Rezaie, Phó Giám đốc chương trình Đổi mới đào tạo nghề TVET, Trưởng nhóm Tư vấn chính sách, chương trình PAM tại Việt Nam, cho biết PAM là chương trình được ủy quyền bởi Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên Bang Đức, do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Tổ chức GIZ thực hiện.

Học viên sẽ được đào tạo tiếng Đức cơ bản, học nghề, kỹ năng làm việc trực tiếp từ các doanh nghiệp. Đối với các học viên tốt nghiệp và đủ điều kiện được lựa chọn sang Đức, họ sẽ tiếp tục học ngôn ngữ chuyên sâu và làm quen với văn hóa.