Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng thủ đô, Nhà xuất bản Trẻ phát hành truyện phim 'Lũy hoa' của Nguyễn Huy Tưởng tái hiện 60 ngày đêm quân, dân ta chiến đấu quả cảm để bảo vệ thủ đô, mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp của toàn dân tộc.
Sách Lũy hoa của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng - Ảnh: NXB
Truyện phim Lũy hoa cũng như tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đô được xuất bản sau khi tác giả qua đời, là kết quả của cả một quá trình Nguyễn Huy Tưởng dồn tâm sức cho đề tài Hà Nội, kể từ đầu năm 1957 đến những tháng ngày cuối cùng của cuộc đời.
Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954 đến 10-10-2024), Nhà xuất bản Trẻ tái bản tác phẩm Lũy hoa.
Lũy hoa lột tả ý chí chiến đấu của người dân Hà Nội
Ngoài phần trình bày chính, sách còn có ảnh chụp những trang bản thảo của Lũy hoa, hình bản in đầu tiên do Văn Cao vẽ bìa, kèm nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng ghi lại quá trình sáng tác Lũy hoa và Sống mãi với Thủ đô.
Trong phần nhật ký, Nguyễn Huy Tưởng thể hiện nỗi trăn trở riêng trong những năm tháng sáng tác cuối đời.
Công bố thêm nhiều trang nhật ký nhà văn Nguyễn Huy Tưởng
Tái bản 3 tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng
Ngày 24-2-1957, ông bày tỏ: "Nghĩ ngợi về tác phẩm. Viết kịch, tiểu thuyết, hay cái gì? Chương trình kế hoạch? Rồi cái gánh nặng gia đình?
Tiểu thuyết: Cái dự định viết về 1956 hay kháng chiến? Hay về cải cách ruộng đất? Vẩn vơ.
Chợt nghĩ lại đề tài Trung đoàn Thủ đô: Sống ở ngay Hà Nội. Nhân vật ở đây. Khung cảnh ở đây. Còn đi đâu nữa? Tài liệu có ít nhiều rồi. Mừng, và thấy có hướng đi. Rồi cứ theo đấy mà tiếp tục cái série truyện kháng chiến. Rồi Việt Bắc, rồi Cao Lạng...".
Những trăn trở về con người, về đất nước trong những năm tháng đó có lẽ đã hun đúc nên Lũy hoa hay Sống mãi với Thủ đô sau này.
Những trang bản thảo của Lũy hoa
Tác phẩm Lũy hoa của Nguyễn Huy Tưởng đưa ta bước vào những năm tháng không quên của những người dân tản cư, những người cầm súng cố thủ để chặn bước quân thù, bảo vệ Thủ đô trong 60 ngày đêm (từ 19-12-1946 đến 17-2-1947).
Giáo sư Phong Lê nói: "Nếu có một biểu hiện gây ấn tượng nhất trong Lũy hoa, trước hết là những lỗ tường, thông từ nhà nọ sang nhà kia; chỉ cần chui các qua lỗ tường, là được biết gần như toàn bộ chân dung sinh hoạt và chân dung tinh thần của người Hà Nội.
Những lỗ tường gắn nối ý chí chiến đấu, đồng thời xóa bỏ mọi ngăn cách, phân biệt giữa các tầng lớp cư dân, khi cuộc sống bình thường bỗng chuyển sang những giờ phút căng thẳng, đầy kịch biến".
Nhà văn Nguyễn Tuân: Ông cứ viết đi, lúc nào quay, tôi xin đóng một vai
Trong lời đề bạt Lũy hoa, nhà văn Nguyễn Tuân chia sẻ: “Tôi là một người tích cực trong số những người động viên Nguyễn Huy Tưởng viết truyện phim này. Vui miệng, tôi có bảo Tưởng:
Bản in Lũy hoa lần đầu tiên (1960) do Văn Cao vẽ bìa
'Ông cứ viết đi. Lúc nào quay, tôi xin đóng một vai.
Ông là một người Hà Nội, ông làm phim về đề tài Hà Nội bảo vệ Thủ đô; tôi là một người của Hà Nội, tôi cũng có thích thú muốn đóng một vai trong đó...'.
Nguyễn Huy Tưởng mỉm cười, sau cái cười đó, Lũy hoa hoàn thành bản thảo".
Nói rõ hơn về sự ra đời của Lũy hoa, giáo sư Phong Lê viết:
"Thảo xong Sống mãi với Thủ đô, tập 1 về ba ngày đầu Toàn quốc kháng chiến ở Hà Nội, Nguyễn Huy Tưởng viết xen Lũy hoa, và kết thúc truyện phim này vào ngày 15-6-1959.
Đó cũng là lúc căn bệnh hiểm trong mình đang phát lộ, để chỉ hơn một năm sau thì nhà văn qua đời".
Nếu Sống mãi với Thủ đô tạm dừng ở ba ngày đêm đầu của cuộc chiến thì Lũy hoa cho ta chứng kiến cuộc chiến diễn ra trong suốt 60 ngày đêm, cho đến khi Trung đoàn Thủ đô rút ra khỏi Hà Nội, để cùng toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch...".
Nguyễn Huy Tưởng (1912 - 1960) là một nhà văn, nhà viết kịch Việt Nam nổi tiếng. Ông là tác giả của những tiểu thuyết lịch sử, vở kịch lớn như: Vũ Như Tô, Đêm hội Long Trì, Bắc Sơn, Sống mãi với Thủ đô...
Đăng thảo luận