Cứ vào sáng cuối tuần trên đoạn đường D1, phường Tân Hưng (quận 7, TP.HCM) xuất hiện một người đàn ông đạp xe, tay cầm theo cây kẹp lụi cụi nhặt rác trên tuyến đường.
Ông Kiệt đạp xe tập thể dục và nhặt rác đều đặn vào 2 ngày cuối tuần - Ảnh: AN VI
Người đàn ông ấy tên Tuấn Kiệt (53 tuổi, ngụ quận 7), sống ngay tuyến đường D1 cách khu vực nhặt rác chừng 2km.
Đi thể dục sắm thêm cây kẹp rác
Hỏi ra nghề nghiệp của ông chẳng liên quan gì đến rác rến, cũng không có sự ràng buộc nào khiến ông phải đi làm chuyện "bẩn tay" này cả.
Ông cười nói: "Tui không phải lao công vệ sinh gì hết á, làm việc văn phòng bình thường thôi. Tháng rồi thấy mình mẩy ê ẩm, hay đau nhức nên quyết định sắm cái xe đạp để cuối tuần chạy vòng vòng mấy cái đường gần nhà tập thể dục".
Hằng ngày đi làm bằng xe máy ngang tuyến đường D1, ông Kiệt nói mình không để ý có nhiều rác đến vậy. Đến khi tập thể dục bằng xe đạp, cảm nhận được mùi hôi xộc thẳng vào mũi, ông Kiệt ngó dọc phía trên dưới hai bên đường mới hết hồn vì rác chất thành đống.
"Trời ơi đủ loại hết, chai nhựa, quần áo, đặc biệt là thực phẩm ôi thiu bốc mùi ghê gớm. Tuyến đường này cuối tuần cũng có nhiều người tập thể dục, ai mà đi bộ thì đều phải bịt mũi hoặc nín thở khi ngang mấy đống rác đó", ông Kiệt lắc đầu ngao ngán.
Trên chiếc xe đạp là cây móc rác và túi đựng rác - Ảnh: AN VI
Vậy là ông Kiệt quyết định sắm thêm cây nhặt rác vắt theo trên xe mỗi khi đi tập thể dục. Hễ thấy bịch nilon, chai nước... ông lại xuống xe nhặt rác.
Với những loại rác lớn, ông sẵn sàng mang bao tay vào xử lý. Ông nói không sợ dơ, nếu để đó còn ô nhiễm hơn.
Ớn nhất là các loại rác đã bị phân hủy, chảy nước đen sì rất thối. Dù rác rất bẩn, ông Kiệt vẫn tìm mọi cách để xử lý. Có hôm ông đạp xe ngược về nhà để mang theo nước sạch đến xử lý những túi rác bốc mùi.
"Nhiều khi mấy đứa con nó hỏi ba đi tập thể dục gì mà về thúi quắc, tay chân đen sì vậy. Mình chỉ cười nói đi lụm rác ngoài đường. Tôi cũng luôn dặn các con phải giữ gìn vệ sinh không gian cộng đồng, không được xả rác bừa bãi", ông Kiệt chia sẻ.
Ông Kiệt đem rác tới thùng rác công cộng xin để nhờ chờ xe rác tới gom - Ảnh: AN VI
Dọn rác như dọn dẹp nhà mình
Hỏi ông có ngại không khi làm chuyện bao đồng, ông chỉ cười: "Có gì đâu mà ngại, chỗ này gần nhà tôi, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của chúng tôi mà. Ai nhìn thì nhìn, tôi không có mắc cỡ gì hết, coi như là dọn dẹp nhà mình vậy hà".
Trong gần hai tiếng vừa đạp xe thể dục vừa nhặt rác buổi sáng, có gần chục túi rác được ông Kiệt gom lại thành đống. Ông nói vầy là còn đỡ, có ngày lượng rác có thể gấp đôi.
Rác được ông Kiệt tập kết lại trong chưa đầy 2 tiếng cặm cụi thu gom - Ảnh: AN VI
Nói rồi ông mang từng bịch rác chạy về hướng khu dân cư gần đó xin bảo vệ để nhờ ở thùng rác công cộng chờ xe gom rác xử lý.
"Chú bảo vệ hôm nay dễ tính á. Nhiều hôm gặp bảo vệ khó họ không cho đâu. Họ tưởng mình đi đổ rác trộm, phải xách bịch rác đạp xuống tuốt dưới kia để xin bỏ nhờ", ông Kiệt chia sẻ thêm.
Quay đi quay lại gần hai mươi vòng đem rác đi đổ, khi xe rác xử lý xong cũng là lúc ông Kiệt kết thúc buổi tập thể dục đầy ý nghĩa của mình.
Ông chỉ vào những đống rác ven đường, tỏ vẻ ngao ngán nói: "Một mình tôi làm không xuể. Chưa kể nhiều người còn canh lúc vắng lại đi ngang ném xuống một mớ rác nữa".
Hình ảnh ông Kiệt xách túi rác lủng lẳng âm thầm làm đẹp cho tuyến đường - Ảnh: AN VI
Bực thì có bực, nhưng rồi cứ mỗi sáng cuối tuần ông Kiệt lại lụi cụi với chiếc xe đạp và cây móc rác âm thầm làm sạch thêm cho khu vực mình sống.
Đạp xe về với cái áo nhễ nhại mồ hôi, ông Kiệt nở nụ cười nói rằng việc mình làm "không đáng gì hết".
Theo ghi nhận, tuyến đường ông Kiệt nhặt rác đoạn từ gầm cầu Ông Lớn đến cầu D1 nối với một khu đô thị khá vắng phương tiện qua lại. Sáng sớm nhiều người thi nhau quăng rác thẳng vào những bãi rác trái phép tồn đọng trước đó.
Rác xuất hiện ven đường, trên vỉa hè và cả quần áo, chai nhựa nổi lềnh bềnh bên dưới rạch Bàng.
Tại đây có đủ loại rác lâu ngày chất thành đống. Ruồi muỗi bay vo ve, bám vào bao tải nặng mùi trông rất nhếch nhác. Có nhiều túi ni lông vứt sát lề đường lâu ngày chảy nước đen đặc.
Nhiều người dân đổ rác rồi ngang nhiên đốt thẳng tại chỗ. Rác nén thành bãi lâu ngày ẩm ướt, khi cháy làm khói theo mùi hôi khiến nhiều người dân tập thể dục đi ngang đều phải bịt mũi.
Đăng thảo luận