Cảnh sát Philippines tung bằng chứng cố vấn tâm linh của cựu tổng thống Duterte đã lạm dụng tình dục 200 phụ nữ, nhằm đạt mục tiêu có 1.000 thê thiếp.

Philippines: Lãnh đạo tôn giáo xâm hại 200 phụ nữ, đặt mục tiêu 1.000 thê thiếp?  第1张

Ông Apollo Quiboloy, lãnh đạo giáo phái KOJC, tại phiên điều trần trước Thượng viện ngày 23-10 - Ảnh: THE MANILA TIMES

Theo báo South China Morning Post, ngày 23-10, Thượng viện Philippines tổ chức phiên điều trần về cáo buộc ông Apollo Quiboloy (74 tuổi), lãnh đạo giáo phái Kingdom of Jesus Christ (KOJC), lợi dụng tôn giáo nhằm lạm dụng tình dục đối với hàng trăm tín đồ.

Trước Thượng viện, cơ quan điều tra Philippines khẳng định ông Quiboloy đặt mục tiêu có 1.000 thê thiếp và đã ép ít nhất 200 tín đồ thực hiện hành vi tình dục với mình.

Lợi dụng tôn giáo để thỏa mãn bản thân

Tự xưng là "Con trai Thiên Chúa", ông Apollo Quiboloy là một mục sư có tầm ảnh hưởng lớn tại Philippines. Năm 1985, ông thành lập giáo phái KOJC và thu hút nhiều tín đồ. Năm 2016, giáo phái này khẳng định có đến 4 triệu tín đồ trong nước và 2 triệu tín đồ hải ngoại.

Tầm ảnh hưởng của ông Quiboloy còn mở rộng sang lĩnh vực chính trị, khi được cựu tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phong làm cố vấn tâm linh trong giai đoạn cầm quyền.

Tại phiên điều trần, đại tá Hansel Marantan, cảnh sát trưởng thành phố Davao, khẳng định: "Qua bài giảng với nhóm mục sư thân hữu, ông Quiboloy đã đặt mục tiêu có 1.000 thê thiếp như câu chuyện về Vua Solomon của Vương quốc Israel cổ, người có 700 vợ và 300 phi tần".

  • Philippines: Lãnh đạo tôn giáo xâm hại 200 phụ nữ, đặt mục tiêu 1.000 thê thiếp?  第2张

    Cuộc chiến gia tộc đỉnh cao ở PhilippinesĐỌC NGAY

Để thực hiện mong muốn đó, ông Quiboloy đã đích thân chọn ra một nhóm tín đồ nữ gọi là vòng tròn "mục sư thân hữu" và tìm cách thuyết phục, thậm chí ép buộc họ thực hiện hành vi tình dục với mình.

Thiếu tướng Nicolas Torre, giám đốc Nhóm Điều tra và phát hiện hình sự (CIDG) thuộc Cảnh sát Quốc gia Philippines và ông Marantan khẳng định liên quan vụ việc "có khoảng 200 nạn nhân nữ". Trong đó đã xác định được 68 nạn nhân thuộc nhiều độ tuổi và quốc tịch khác nhau.

Bên cạnh đó, cảnh sát còn phát hiện ông Quiboloy không chỉ "tẩy não" các nạn nhân mà còn đe dọa họ bằng nhóm vũ trang Thiên thần của cái chết (Angels of Death). Băng nhóm hiện cũng đang bị điều tra vì liên quan đến nhiều vụ giết người.

Trước khi rơi vào vòng lao lý ở Philippines, ông Quiboloy cũng đã bị Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) truy tố với tội danh buôn người cho mục đích tình dục và buôn lậu tiền. Trong số nạn nhân buôn người có cả trẻ em.

Trước những cáo buộc của cảnh sát, ông Quiboloy phủ nhận toàn bộ và cho rằng "không có sự thật trong những gì họ nói".

"Theo tôi, những gì họ nói đều trái ngược (với những gì đã xảy ra). Nhưng tôi thách họ nộp đơn kiện vì đây là những cáo buộc hình sự", ông nói thêm.

Những nạn nhân của "Con trai Thiên Chúa"

Philippines: Lãnh đạo tôn giáo xâm hại 200 phụ nữ, đặt mục tiêu 1.000 thê thiếp?  第3张

Bà Teresita Valdehueza, một trong sáu nạn nhân làm chứng tại phiên điều trần ngày 23-10, khóc nấc lên khi chia sẻ - Ảnh: THE MANILA TIMES

Làm chứng tại phiên điều trần ngày 23-10, chị Yulya Voronina, nạn nhân người Ukraine, cho biết đã rời quê nhà để đến sinh sống trong khuôn viên giáo phái KOJC tại thành phố Davao vào năm 2013. Khi đó chị mới 21 tuổi. Tại đây, chị đã được chọn vào vòng "mục sư thân hữu".

Một lần chị được yêu cầu vào phòng của ông Quiboloy vào ban đêm để mát xa cho ông ta. Ông Quiboloy khi đó đã cố gắng thuyết phục chị "hy sinh thân thể" cho mình bằng cách đưa một cuốn Kinh thánh tiếng Nga và bắt chị đọc đoạn nói về nội dung này.

"Tôi mát xa cho ông ấy và sau đó, từng chút một, ông ta quay sang tôi và cởi quần áo của tôi... Tôi đã rất sốc. Ông ấy liên tục hỏi tôi liệu tôi đã sẵn sàng hy sinh thân thể", bà chia sẻ.

Bà Teresita Valdehueza, một nạn nhân khác, cho biết ông Quiboloy đã cưỡng ép họ phục vụ tình dục và đe dọa nếu từ chối, họ sẽ bị "đày xuống địa ngục".

Trước những lời buộc tội của nhân chứng, ông Quiboloy một mực phủ nhận, gọi họ là "kẻ nói dối" và yêu cầu các nạn nhân gửi đơn tố cáo ra tòa án dân sự, nơi ông có thể tự bào chữa cho mình.

"Ủy ban Thượng viện này không phải là nơi để quyết định tôi có tội hay không. Đó phải là tòa án luật pháp", ông Quiboloy chỉ trích.