Ông Biden nỗ lực vực dậy niềm tin của cử tri Mỹ sau cuộc tranh luận

(Dân trí) - Sau hàng loạt "sóng gió" kể từ cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên với cựu Tổng thống Donald Trump, Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực lấy lại niềm tin của cử tri Mỹ.

Ông Biden nỗ lực vực dậy niềm tin của cử tri Mỹ sau cuộc tranh luận  第1张

Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: Reuters).

Sau màn thể hiện thiếu thuyết phục trong cuộc tranh luận đầu tiên với cựu Tổng thống Donad Trump vào ngày 28/6 trên đường đua vào Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng niềm tin không chỉ từ các cử tri Mỹ mà còn từ chính các nhà tài trợ lớn cũng như nỗi lo ngày càng tăng từ các đảng viên Dân chủ. Ngày càng có nhiều lời kêu gọi ông Biden ngừng tranh cử để nhường cơ hội cho một ứng viên khác.  

Thách thức bủa vây

Cuộc tranh luận ngày 28/6 của ông Biden với ông Trump được đánh giá là "lép vế" đã châm ngòi cho các nghi ngại của cử tri Mỹ về việc liệu ông Biden có đủ sức khỏe, sự minh mẫn cũng như năng lực để tái tranh cử tổng thống Mỹ hay không. Sự việc còn làm bùng nổ cuộc khủng hoảng trong đảng Dân chủ và gây ra sự bất an lớn cho các đồng minh phương Tây của Mỹ.

Một là, trong những ngày gần đây, ngày càng nhiều đảng viên trong chính đảng Dân chủ lên tiếng kêu gọi ông Biden từ bỏ cuộc đua vào Nhà Trắng. Một số nghị sĩ dân chủ lo ngại ông Biden khó có thể đánh bại ông Trump trong cuộc bỏ phiếu vào tháng 11 tới. Hơn nữa, nhiều người còn tỏ ra lo lắng về việc liệu ông Biden có khả năng vận động tranh cử hay không.

Theo CNN, trong cuộc họp trực tuyến vào ngày 7/7 với ông Hakeem Jeffries - Lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện, các nghị sĩ cấp cao Jerry Nadler, Mark Takano, Joe Morelle và Adam Smith của đảng Dân chủ tại Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Hành chính, Ủy ban Các vấn đề Cựu binh và Ủy ban Quân vụ của Hạ viện đã kêu gọi ông Biden rút khỏi chiến dịch tranh cử tổng thống do lo ngại nếu ông Biden là ứng viên tổng thống, đảng Dân chủ sẽ mất cơ hội chiếm đa số ghế tại Hạ viện.

Trước đó, nhóm 5 hạ nghị sỹ gồm Lloyd Doggett, Seth Moulton, Raul Grijalva, Angie Craig và Mike Quigley cũng đã công khai kêu gọi ông Biden rút khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng.  

Theo kết quả cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos trong hai ngày 1 và 2/7, 32% đảng viên Dân chủ cho rằng, Tổng thống Joe Biden nên kết thúc việc tái tranh cử. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, chưa có đảng viên Dân chủ nào nổi bật hơn ông Biden trong một cuộc đối đầu giả định với ông Trump.

Hai là, một số nhà tài trợ lớn của đảng Dân chủ đang âm thầm tìm kiếm và lựa chọn ứng viên thay thế ông Biden sau màn thể hiện đáng thất vọng của ông trong cuộc tranh luận với ông Trump ngày 28/6. Abigail Disney, người thừa kế của gia tộc Disney và nhà tài trợ lớn của đảng Dân chủ tuyên bố sẽ ngừng quyên góp cho đảng này trừ khi ông Biden rút lui. Reed Hastings - đồng sáng lập Netflix và là một trong những nhà tài trợ lớn nhất của đảng Dân chủ, nói rằng, ông Biden cần rút lui trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Ari Emanuel, đại diện quyền lực hàng đầu của Hollywood và cũng là nhà tài trợ lớn của đảng Dân chủ nhấn mạnh rằng: "Cách duy nhất để ông Biden chấp nhận dừng nỗ lực tranh cử là cắt nguồn viện trợ".

Trong khi đó, một số nhà tài trợ hàng đầu khác của đảng Dân chủ cũng đã âm thầm tìm kiếm người thay thế, trong đó Phó tổng thống Kamala Harris, Thống đốc Michigan Gretchen Whitmer và Thống đốc California Gavin Newsom được xem là 3 ứng viên sáng giá trong trường hợp ông Biden quyết định rút khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng.

Ba là, các đồng minh phương Tây của Mỹ cũng không khỏi lo lắng về triển vọng tranh cử sắp tới của ông Biden, nhất là trong bối cảnh tuổi tác, sức khỏe của ông đang là vấn đề đáng quan tâm. Hầu hết các quan chức nước ngoài ủng hộ ông Biden tái đắc cử đều tỏ ra thất vọng trước màn tranh luận vừa qua với ông Trump bởi lo ngại ông Biden khó có thể đủ sức đánh bại ông Trump và dẫn dắt nước Mỹ trong một nhiệm kỳ nữa.

Hơn nữa, các đồng minh của Mỹ trong khối NATO còn có một mối lo lớn đó là nếu ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ, mối quan hệ giữa NATO và Mỹ sẽ "cơm không lành, canh không ngọt" bởi từ lâu ông Trump luôn chỉ trích NATO về việc không chia sẻ gánh nặng với Mỹ, thậm chí còn có ý định rút Mỹ khỏi khối này. Nhiều người lo ngại, nếu ông Trump đắc cử, cuộc chiến của Ukraine sẽ thay đổi theo hướng mà NATO không hề mong muốn, trong đó có viễn cảnh Kiev buộc phải nhượng bộ Nga để chấm dứt cuộc chiến tốn kém hiện nay.  

Theo Bloomberg, dù không công khai nhưng nhiều quan chức châu Âu đều cho rằng ông Biden nên nhường cơ hội tranh cử tổng thống cho một ứng viên có triển vọng hơn của đảng Dân chủ để có thể đánh bại đối thủ đảng Cộng hòa cũng như đảm bảo sự đoàn kết trong nội khối NATO và sự ủng hộ thống nhất đối với Ukraine.

Ông Biden nỗ lực vực dậy niềm tin của cử tri Mỹ sau cuộc tranh luận  第2张

Ông Biden và ông Trump trong cuộc tranh luận hôm 27/6 (Ảnh: Reuters).

Nỗ lực vực dậy niềm tin từ cử tri Mỹ

Sau màn tranh luận đáng thất vọng với ông Trump, ông Biden đã nhận thức được ngay thế khó của mình, do đó, bản thân ông cũng như đội ngũ của ông đã có nhiều sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho hàng loạt hoạt động nhằm lấy lại niềm tin của cử tri Mỹ, xóa bỏ sự nghi ngại từ các đảng viên đảng Dân chủ, các nhà tài trợ lớn cũng như sự lo lắng của đồng minh phương Tây.

Một là, quyết tâm vực dậy niềm tin của cử tri Mỹ: Trong những ngày vừa qua, Tổng thống Biden đã có một loạt chương trình nghị sự dày đặc trong nỗ lực vận động tranh cử nhằm giành lại niềm tin của cử tri Mỹ. Ngày 5/7, ông Biden đã trả lời phỏng vấn hãng tin ABC News nhằm xoa dịu các lo ngại của cử tri Mỹ, đồng thời chứng minh rằng màn trình diễn của ông trước đối thủ Trunp hồi cuối tháng 6 vừa qua chỉ là sơ suất và khẳng định ông vẫn đủ minh mẫn và xứng đáng là ứng viên đại diện đảng Dân chủ.

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cũng như một số nghị sĩ Dân chủ cho rằng, cuộc phỏng vấn kéo dài 22 phút này không đạt mục tiêu như ông Biden mong muốn. Hạ nghị sĩ Adam Schiff nói rằng, cuộc phỏng vấn "không làm dịu đi mối lo ngại" và "không cuộc phỏng vấn nào có thể làm được điều đó".

Ngày 7/7, ông Biden tham gia vào hàng loạt hoạt động vận động tranh cử tại bang Pennsylvania nhằm trấn an các cử tri về tình hình sức khỏe của mình. Ngày 8/7, ông Biden tiếp tục xuất hiện trên chương trình truyền hình Morning Joe của MSNBC và cho thấy sự tin tưởng rằng cử tri vẫn ủng hộ ông. Ông Biden thậm chí còn kêu gọi bất kỳ ai muốn cạnh tranh vị trí của ông trong cuộc đua vào Nhà Trắng thì hãy thách thức ông tại Đại hội đảng Dân chủ vào tháng 8 tới.

Hai là, giữ vững quyết tâm tái tranh cử: Trong một bức thư dài gửi tới các đảng viên Dân chủ ngày 8/7, Tổng thống Biden nhấn mạnh rằng, ông sẽ vẫn tiếp tục tham gia chiến dịch tái tranh cử bởi ông tin rằng mình là "ứng cử viên sáng giá nhất có thể đánh bại Donald Trump" trong cuộc bầu cử sắp tới. Ông Biden cũng kêu gọi các nghị sĩ đảng Dân chủ đoàn kết và đồng lòng ủng hộ ông, đồng thời tin chắc rằng cử tri Mỹ vẫn đang ủng hộ ông.

Các nhà quan sát đánh giá, việc ông Biden không lung lay quyết tâm tái tranh cử bất chấp áp lực bủa vây bởi hiện ông vẫn đang được nhiều hạ nghị sĩ kỳ cựu ủng hộ. Lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện Jeffries và hạ nghị sĩ James Clyburn đã phát biểu rằng, ông Biden không nên rút khỏi cuộc đua. Cựu chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cũng "hoàn toàn tin tưởng vào Tổng thống Biden và mong đợi dự lễ nhậm chức nhiệm kỳ mới của ông vào ngày 20/1/2025".

Kết quả thăm dò mới nhất của Reuters/Ipsos cho thấy, sự ủng hộ của cử tri đối với ông Biden đã bất ngờ tăng lên trong tuần qua. Bên cạnh đó, kết quả khảo sát của Bloomberg/Morning Consult ngày 6/7 cho thấy, ông Biden đã thu hẹp khoảng cách với ông Trump tại các bang chiến địa như Arizona, Bắc Carolina, Georgia, Michigan, Nevada, Pennsylvania và Wisconsin, với tỷ lệ 47%-45% (ông Trump dẫn trước ông Biden 2 điểm phần trăm).

Các nhà quan sát đánh giá, đây là dấu hiệu cho thấy, cuộc đua vào Nhà Trắng trong thời gian tới sẽ còn nhiều gay cấn và bất ngờ, nhất là trong bối cảnh Tổng thống Joe Biden đang quyết tâm dồn lực lấy lại niềm tin của cử tri Mỹ.