Nhiều cặp vợ chồng đau đầu khi nghĩ đến chuyện tìm người chăm con, gửi con ở đâu để vợ tiện đi làm trở lại sau kỳ thai sản. Người gửi cho ông bà, người đôn đáo thuê giúp việc, người ráng ở nhà thêm vài tháng vì chưa chốt được phương án gửi con...
Tìm người giữ con để mẹ trẻ đi làm lại là vấn đề gây đau đầu - Ảnh minh họa: YẾN TRINH
Vừa mới rước mẹ từ quê lên ở nhà mình tại Bình Dương, anh Lê Vinh (29 tuổi) cho hay anh đưa mẹ lên sớm cho quen không khí, tháng sau sẽ trông con cho vợ anh đi làm lại.
Người đưa bà lên chăm cháu, người gửi con về quê
Trước đó, vợ anh Vinh ở quê nội gần 5 tháng trời để tiện bề chăm sóc con nhỏ. Mỗi cuối tuần anh Vinh đều từ Bình Dương về quê thăm. Thời gian trôi nhanh, vợ anh sắp hết thời hạn nghỉ thai sản. Hai vợ chồng suy nghĩ, bàn tính, cuối cùng thống nhất chọn cách rước mẹ chồng lên chăm cháu.
Ban đầu vợ chồng anh định vẫn để con dưới quê cho bà chăm. Nhưng họ sợ bà ở quê chăm cháu một mình vất vả, rồi sợ con quấy khóc đòi ba mẹ. Còn nếu thuê người giúp việc, vừa không yên tâm vừa tốn kém. Và thuê được người phù hợp cũng không dễ.
Đưa mẹ anh Vinh lên chăm cháu xét ra cũng tốt cho bà. Ba anh mất đã lâu, chị gái lấy chồng xa. Dưới quê chỉ còn mẹ thui thủi sáng tối, cũng không làm việc gì. Anh bàn bạc với mẹ cho thuê căn nhà ở quê, rồi dọn lên sống hẳn với vợ chồng anh, gần gũi con cháu cho đỡ cô quạnh. Như vậy, vợ chồng anh yên tâm đi làm. Khi nào cháu đi học mầm non, bà sẽ rảnh tay rảnh chân.
Nuôi con thương cha mẹ nhiều hơn!ĐỌC NGAY
Biết kế hoạch của anh, một số đồng nghiệp trong công ty đang trong kỳ thai sản cũng lên tiếng rằng khi nào họ đi làm lại thì đem con qua nhờ mẹ anh giữ giúp. Rồi mỗi tháng họ gửi tiền cho bà, là người quen nên yên tâm hơn. Anh Vinh đồng cảm, nhưng sợ mẹ già cực càng thêm cực. Sau khi hỏi ý kiến mẹ, anh chỉ mới nhận lời giúp một đồng nghiệp.
Nhiều tháng nay, mỗi chiều tối, người trong xóm quen với hình ảnh bà Nguyễn Thắm (61 tuổi, ngụ Tiền Giang) kẹp đứa cháu bên nách trái, tay phải cầm tô cháo đi vòng quanh xóm. Bà ghé hết nhà này tới nhà kia. "Phải ẵm đi khắp xóm vậy đó, nó mới chịu ăn", bà nói.
Đây là đứa cháu nội đầu tiên của bà Thắm. Sau khi cưới vợ cho con trai, vợ chồng bà mong cháu nhưng "tụi nó lần lựa, không chịu đẻ". Quá sốt ruột, bà đành hứa "đẻ đi, không nuôi được thì gửi về quê má nuôi cho".
Con trai bà làm việc ở TP Vũng Tàu, con dâu làm tại TP.HCM. Hai vợ chồng trẻ chỉ gặp nhau cuối tuần khi chồng chạy xe máy về. Ngày thường bận làm việc, lại không ở chung nên chuyện đem con lên thành phố ngay là điều không thể xoay xở nổi với họ.
"Tôi lỡ hứa rồi nên giờ phải ráng chăm. Hai vợ chồng tụi nó có khi hai, ba tháng không về thăm con. Bây giờ trong xóm chọc vợ chồng tôi ngoài 60 rồi mà còn ráng vớt con út làm gì cho cực", bà Thắm cười nói.
Thuyết phục chồng đưa con đi nhà trẻ sớm
Khi con trai thứ hai được 6 tháng tuổi, vợ chồng chị Trần Thị Hiên (35 tuổi, sống tại Hà Nội) đắn đo rồi thuê một người giúp việc để trông con, mỗi tháng trả 7 triệu đồng. "Trước đó, bà ngoại lên ở với cháu từ khi mới sinh. Nhưng do bà cũng lớn tuổi, không quen sống ở chung cư, ở quê cũng có việc buôn bán nên không trông được thêm", chị chia sẻ.
Hơn nữa, vợ chồng chị từng gửi đứa con đầu lòng về quê cho ông bà ngoại chăm hơn một năm. Nên hai vợ chồng cũng không muốn ông bà thêm cực nhọc sớm hôm, dù ông bà thương và rất chiều cháu.
Sinh con, đâu chỉ là chuyện 'con cá, lá rau'…
Thách thức dân số khi người trẻ kết hôn muộn và người càng giàu càng sinh ít con
Đợi giàu mới sinh con, lúc muốn có con lại khó mang bầu
Để người giúp việc trông con hộ, chị Hiên nhận thấy điều này tốn kém và không thể nào bằng việc cha mẹ dạy con hoặc cho bé đi nhà trẻ. Dù người giúp việc nhanh nhẹn, hiền lành nhưng chị lo lắng về khía cạnh giáo dục con.
Chị giải thích rằng con trong độ tuổi cần sự dạy dỗ chăm chút kỹ lưỡng để hình thành thói quen, tính cách, nhưng "hai vợ chồng bận không chăm con được nhiều. Thôi thì để con lên lớp học, được cô giáo chỉ dạy sẽ tốt hơn. Con lại có bạn bè chơi chung", chị tâm sự.
Khi con được 1 tuổi, chị bắt đầu nghĩ đến việc đưa con đi nhà trẻ. Lúc đầu, chồng chị không đồng ý cho con đi học sớm, định khoảng 2 tuổi mới cho đi. Khi kể với ông bà, ông bà cũng lo lắng. Chị thuyết phục từ từ...
Vậy là họ quyết định gửi nhà trẻ khi con được 14 tháng tuổi. Ban đầu vợ chồng chị cũng lo lắng. Thời gian ngắn sau, con thích ứng tốt. Bé ngoan và hào hứng đi nhà trẻ. Sáng, 8h chồng chị đưa con đến lớp, chừng 16h30 đón về. Chị nói: "Một tháng tiền học của con là 3,5 triệu đồng. Ở nhà trẻ cũng có người khi con được 1 tuổi đã gửi, tình hình ổn".
"Con được rèn tính tự lập, dễ ăn dễ ngủ từ lúc còn ở nhà. Nên khi đi nhà trẻ, con thích ứng tốt. Nhiều người sợ đi gửi nhà trẻ khi con còn quá nhỏ sẽ khiến con dễ ốm đau. Nhưng chúng tôi nghĩ trẻ con hay ốm. Nếu mình để con ở nhà chăm vẫn có thể bị ốm. Mình không nên lo lắng thái quá", chị nói.
Sẽ xin chuyển công tác, đưa con về ở với mình
Mới đây, bà Nguyễn Thắm muốn bủn rủn tay chân khi nghe con dâu lại có bầu. Cháu đầu vừa mới thôi nôi, bà lại sắp nuôi dâu đẻ nên chỉ biết "tới đâu hay tới đó". Nếu vợ chồng bà lo không xuể, sẽ gửi bớt một đứa cháu về bên ngoại.
Anh Tuấn (26 tuổi, con bà Thắm) phân trần: vợ chồng anh cân nhắc lắm mới sinh đứa đầu tiên, vì hai bên nội ngoại mong cháu từ lâu. Anh nói: "Còn đứa thứ hai này là hai vợ chồng bể kế hoạch".
Do công việc nên hai vợ chồng ngày thường không gần gũi, nuôi dạy được con nên cảm thấy thiếu sót. Thời gian tới, anh cố gắng xin chuyển công tác về văn phòng ở TP.HCM. Anh sẽ rước con lên để tiện chăm sóc. "Nếu không được tôi chuyển việc", anh trải lòng.
Đăng thảo luận