Đang đứng xem bạn câu cá, bé trai 11 tuổi bị móc câu cá đâm sâu vào vùng trước tai. Đây là vị trí có nhiều cấu trúc quan trọng, gây nguy cơ tổn thương mô, liệt mặt do đứt dây thần kinh số 7, chảy máu.
Bé trai bị dị vật là móc câu đâm vào trước tai khi đang xem bạn câu cá - Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Sáng 7-10, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết vừa tiếp nhận một trường hợp tai nạn khá hy hữu là bé trai L.Đ.P. (11 tuổi, ngụ tại quận Bình Thạnh) bị móc câu cá đâm sâu vào vùng trước tai.
Người nhà bé P. khai khi bé đang đứng xem bạn câu cá thì bị quăng trúng móc câu, đâm sâu vào trước tai trái. Tại trạm y tế địa phương, bé được sơ cứu và sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1.
Bạn nghịch dại, một học sinh bị bút chì đâm vào mông 8cm
Dị vật rơi vào mắt, xử lý sai dễ gây mù lòa
Chấn thương tai ở trẻ em
Tại đây, qua thăm khám, bác sĩ thấy dị vật là móc câu sắc nhọn 2 đầu, có ngạnh nên quyết định cho bé nhập viện gây mê để lấy dị vật.
Theo BS.CKI Lý Phạm Hoàng Vinh (khoa tai mũi họng Bệnh viện Nhi đồng 1), vị trí trước tai có nhiều cấu trúc quan trọng như dây thần kinh số 7, động mạch thái dương nông, tuyến mang tai…
Do đó, việc lấy dị vật sắc nhọn và có ngạnh như móc câu cần thận trọng, vì nguy cơ tổn thương mô, liệt mặt do đứt dây thần kinh số 7 hay chảy máu.
Trường hợp bị quăng trúng móc câu đâm sâu khu vực này khá hy hữu. Tùy từng trường hợp cụ thể bác sĩ sẽ có kế hoạch điều trị.
Với trường hợp bệnh nhi P., ê kíp phẫu thuật khoa tai mũi họng đã dùng kìm tháo gỡ từng phần của móc câu, với mục tiêu là lấy được dị vật theo chiều của ngạnh sắc nhọn, tránh làm tổn thương các cấu trúc trước tai.
Sau thủ thuật, các bác sĩ đã lấy hai móc câu và khâu vết thương cho bé. Hiện tình trạng sức khỏe của bé đã ổn, không bị chảy máu hay liệt mặt, được điều trị thuốc tránh nhiễm trùng và tư vấn chích ngừa uốn ván.
Bác sĩ Vinh khuyến cáo người nhà cần lưu ý không cho trẻ đứng gần vị trí câu cá để tránh những tai nạn như trên. Khi bị vật lạ đâm trúng, cần đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ, lưu ý phòng ngừa nhiễm trùng vết thương và chích ngừa uốn ván.
Thời gian qua, Bệnh viện Mắt TP.HCM tiếp nhận cấp cứu nhiều trẻ bị lưỡi câu móc thẳng vào mắt khi đi câu cá hay xem người khác câu cá.
Các bác sĩ khuyến cáo sau khi gặp tai nạn liên quan đến mắt, nếu trì hoãn thời gian đến bệnh viện, tự dùng thuốc nhỏ mắt hoặc đắp lá cây, thuốc nam... có thể khiến mắt bị nhiễm trùng nặng nề, khó bảo tồn được thị lực.
Phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu kịp thời và có hướng điều trị tiếp theo phù hợp.
Đăng thảo luận